Nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia vừa ký thỏa thuận với Masan Group (MSN) mua cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty con của Masan - với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương sở hữu 5,5% vốn sau phát hành, ngày 18/5.
Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.
The CrownX cho hay cũng sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam.
Mức định giá “khủng” của The CrownX vượt qua giá trị vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp “tên tuổi” đang niêm yết trên sàn chứng khoán như PV GAS, Novaland, Masan, Sabeco, MWG, Vincom Retail, và các ngân hàng như ACB, MBB, VIB, HDB, STB, SSB.... thậm chí lớn hơn cả tổng giá trị vốn hóa của TPB, EIB, MSB, OCB, LPB cộng lại.
Với thương vụ này, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam.
Ngoài ra, Masan Group cũng đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX dự kiến hoàn tất trong năm 2021.
Trong “túi” của The CrownX có gì?
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings (mã MCH) và VinCommerce (VCM) được ra mắt vào năm 2020.
The CrownX hiện đang nắm giữ 83,74% cổ phần của VinCommerce (VCM) - công ty sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinEco và 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings (mã MCH).
Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Masan sở hữu 84,8% cổ phần The CrownX. Tập đoàn cho biết đã tăng các khoản vay để tăng cổ phần tại The CrownX và VCM.
Trong quý I/2021, The CrownX đạt 12.533 tỷ đồng doanh thu, tương ứng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 1.216 tỷ đồng, xấp xỉ gấp đôi so với mức 614 tỷ đồng vào quý 1/2020 nhờ biên EBITDA tăng 510 điểm cơ bản lên 9,7%.
Động lực tăng trưởng đến từ việc VinCommerce có lợi nhuận trong hai quý liên tiếp, biên EBITDA cải thiện từ mức 0,2% vào quý IV/2020 lên 1,8% vào quý I/2021.
Trong kỳ, VinCommerce đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại (gồm biên lợi nhuận gộp và các hình thức hỗ trợ khác từ nhà cung cấp) lên 1% trên cơ sở doanh thu của các nhà cung cấp trên.
Bên cạnh đó, Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu tăng trưởng 18,8% và biên EBITDA tăng trưởng 20,8% nhờ chiến lược tăng trưởng được dẫn dắt bởi phát kiến đột phá nhờ các sản phẩm mới ra mắt vào năm 2020.
Trong khi đó, ngành hàng thực phẩm tiện lợi có mức tăng trưởng chậm so với cùng kỳ do người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19. Ban điều dành dự kiến lợi nhuận sẽ được cải thiện ở mức tương đương năm 2020 trong các quý tiếp theo khi chi phí đầu tư thương hiệu và chi phí bán hàng được tối ưu hóa.
Đầu tháng 4/2021, SK Group - quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc hiện là cổ đông lớn của Masan đã mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt 410 triệu USD. Khoản đầu tư của SK Group đã khẳng định tầm nhìn trong việc xây dựng nền tảng Point of Life - "tất cả trong một" tích hợp từ offline đến online, phục vụ các nhu cầu thiết yếu như bán lẻ tạp hóa, dịch vụ tài chính và giải trí.