Chào thầy! Thầy có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn mà mình gặp phải? Điều khiến thầy cảm thấy thú vị nhất về công việc hiện tại là gì?
Với tôi, thử thách lớn nhất là việc dung hòa các quan điểm giáo dục của cá nhân với các yêu cầu mang tính hệ thống như chương trình giáo dục, các kỳ thi, kiểm tra, định hướng của nhà trường và các mục tiêu cá nhân của học sinh. Đôi khi, những quan điểm của mình có thể khác, thậm chí là xung đột với những yêu cầu kể trên. Với vai trò là một giáo viên, tôi phải tìm cách để dung hòa và cân bằng các giá trị mà bản thân đặt ra với các mục tiêu, nhu cầu của hệ thống và cá nhân học sinh.
Khi giảng dạy bộ môn Toán, tôi cho rằng các giáo viên đều mong muốn học sinh của mình phải hiểu thật rõ các khái niệm Toán học trong khi nhu cầu học sinh đơn giản chỉ là làm bài thi đạt điểm cao. Hai mục tiêu này không xung đột nhau, tuy nhiên, có nhiều con đường khác “hấp dẫn” hơn việc phải cố gắng hiểu các khái niệm “khó nhằn” của môn Toán. Một trong những con đường đó là luyện giải đề, luyện giải bài tập. Vì thế, đôi khi tôi cố gắng giảng giải một khái niệm nào đó thật kỹ nhằm giúp học sinh hiểu rõ thì các em có thể cho rằng đi thi không ai hỏi những khái niệm thuần túy như vậy. Do đó, việc hiểu khái niệm đến đâu không quan trọng bằng việc giải được bao nhiêu đề và được bao nhiêu điểm trong các kỳ kiểm tra, thi cử. Điều thú vị ở đây là nhu cầu được điểm cao của học sinh cũng là một nhu cầu chính đáng!
Dù là thử thách lớn nhưng tôi nghĩ chính thử thách này cũng là một điều thú vị để tôi luôn phải tìm cách để dung hòa được những giá trị mà mình mong muốn mang đến cho học sinh và những khát vọng chính đáng của các em.
Khi gặp trường hợp như thế, cách giải quyết của thầy ra sao? Qua những cuộc thảo luận như vậy, thầy rút ra được điều gì? Bên cạnh những kiến thức về chuyên môn, chuyên ngành, theo thầy những kỹ năng nào là quan trọng đối với giáo viên?
Tôi lựa chọn phương án đối thoại. Ví dụ trên đây là trường hợp tôi thường gặp nhất, hầu như mỗi khi nhận một lớp mới là tôi phải đối thoại ngay từ đầu để hai bên hiểu nhau. Theo sau đó là những cuộc thảo luận xuyên suốt trong quá trình thầy – trò đồng hành cùng nhau. Trong những cuộc thảo luận như vậy, tôi trình bày những quan điểm giáo dục của mình và thuyết phục các em, đồng thời lắng nghe và phân tích những nhu cầu của học sinh để cùng tìm ra giải pháp, tiếng nói chung ở từng thời điểm.
Câu hỏi tôi thường đặt ra là: “Vì sao phải học?” Những câu trả lời tôi nhận được có thể tạm chia thành hai nhóm: Nhóm động cơ kinh tế: Học để có một việc làm tốt nuôi sống bản thân về sau. Có thể thấy, đây là câu trả lời phổ biến nhất và cũng chính là điều đầu tiên mà hầu hết phụ huynh đều quan niệm và thúc đẩy con mình dấn thân vào việc học. Tuy nhiên, cũng chính vì quan điểm này mà cả xã hội thường xuyên lên án chương trình giáo dục không thực tế. Ta dễ dàng bắt gặp một số lý luận như: “Tại sao phải học lượng giác, đạo hàm, tích phân…? Những thứ này có kiếm ra tiền đâu? “Học nhiều đến như vậy nhưng vẫn có hàng triệu cử nhân thất nghiệp”. Trong động cơ này ẩn chứa một nghịch lý là mọi người đều nghĩ rằng học là con đường để đạt được mục đích và cũng chính họ phủ nhận việc học. Nghịch lý này dẫn đến câu hỏi rằng chương trình giáo dục hiện nay không đáp ứng được nhu cầu “kiếm tiền” của người học hay động cơ về kinh tế là không phù hợp với việc học?
Nhóm động cơ nghĩa vụ: Học vì Luật Giáo dục bắt buộc phải học, học vì nghĩa vụ với gia đình (học để làm đẹp mặt bố mẹ, học để làm rạng danh dòng họ…). Nhóm động cơ này thường được chứa đựng trong một vỏ bọc lộng lẫy mang danh như “hiếu học” hay “áp lực tạo nên kim cương” hay ba mẹ hy sinh những gì tốt nhất để con được học sao cho “bằng bạn bằng bè”. Rõ ràng là áp lực sẽ tạo nên kim cương nhưng quan trọng là không phải thứ áp lực nào cũng khiến carbon trở thành kim cương. Quan sát chủ quan của tôi cho thấy, thường những học sinh phải chịu áp lực từ nhóm động này có những hành vi học tập cực đoan như “cày” cả ngày lẫn đêm. Điều đáng nói ở đây, động lực thúc đẩy hành vi học tập cực đoan như vậy đến từ áp lực thừa thãi dẫn đến một nỗi sợ: Sợ thua kém bạn, sợ ba mẹ buồn, thậm chí là sợ ba mẹ bạo lực nếu thành tích học tập kém, từ đó, học sinh luôn học trong nỗi sợ hãi.
Tóm lại, cả hai nhóm nhu cầu trên đều là chính đáng. Tuy nhiên, đó chưa phải là một động cơ “lành mạnh” để tạo được một hành vi học tập thực sự. Theo tôi, giáo viên không đơn thuần và không nên là một người giữ vai trò truyền thụ kiến thức, mà là người đồng hành cùng học sinh trên con đường khám phá kiến thức và phản tư về chính mình như là một “tự ý thức”. Muốn vậy, ngoài việc đánh giá kiến thức khách quan, người giáo viên cần phải diễn giải thế giới chiều sâu nội tâm của học sinh (vd: học sinh đang tin vào cái gì? Các em đang bênh vực cho điều gì? Hệ giá trị của các em là gì? Mục đích là để hiểu được phần nào “thế giới quan” của các em nhằm hướng dẫn, đồng hành và giúp đỡ các em trong quá trình học tập.
Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thầy mong muốn điều gì và thông điệp nào thầy muốn nhắn gửi đến các lứa học trò của mình?
Ngày Nhà giáo Việt Nam luôn là một trong những ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa nhất ở nước ta. Văn hóa ở Việt Nam vốn tôn kính người thầy, với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Không ai có thể trưởng thành mà không trải qua quá trình giáo dục, điều đó càng làm cho ngày 20/11 trở nên ý nghĩa hơn. Nếu xét đến “giáo dục” theo nghĩa rộng nhất của từ này, tôi cho rằng bất kỳ ai trong cuộc đời cũng là “thầy” của mình vì họ luôn mang đến cho mình một giá trị nào đó có tính giáo dục.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ; Các thầy cô… Trân trọng cảm ơn tất cả những mối quan hệ xung quanh vì nhờ có mọi người tôi mới có thể cải thiện ý thức về bản thân mỗi ngày. Trân trọng kính chúc quý thầy, cô giáo và các đồng nghiệp những điều tốt đẹp nhất!
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!
Chặng đường của giáo dục là “chặng đường của Thánh giá”. Đó là một quá trình không hề dễ dàng, đặc biệt là quá trình phát triển bên trong cấu trúc tinh thần của chính mình. Hãy luôn tự đánh giá lại “hệ thống niềm tin” của bản thân và bạn sẽ nhận ra nhiều điều có giá trị!