Ngày pháp luật

Thấy gì từ việc Vinasun và Grab "đình chiến" để hòa giải?

Theo Nam Dương/Trí Thức Trẻ

Việc tạm dừng cuộc chiến đòi 42 tỷ đồng để hoà giải giữa Vinasun và Grab được đánh giá là sự ứng xử khôn ngoan của các doanh nghiệp trên thị trường, theo ông Nguyễn Tiến Lập, luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ngày cuối cùng của tháng 11, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã mở lại phiên xử CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường thiệt hại, số tiền lên đến xấp xỉ 42 tỷ đồng. Vụ kiện lần thứ 5 được đưa ra xét xử.

Khác với diễn biến căng thẳng của các phiên tòa trước, đại diện Vinasun và Grab đã trả lời chấp nhận trước câu hỏi "có muốn hòa giải không" của toà. Dù vậy, việc tiến hành hòa giải ngay khi phiên xử đang diễn ra theo tòa là không thể được. Grab và Vinasun cũng chưa đưa ra được phương án cụ thể.

Thấy gì từ việc Vinasun và Grab

 

Về sau, hai bên đã cùng đề nghị tạm hoãn phiên xử để có thời gian ngồi lại, tìm ra phương án.

"Điều này thể hiện sự khôn ngoan trong cách ứng xử giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Nó vừa tránh phiền hà khi kéo dài kiện tụng, vừa mất uy tín, gây mệt mỏi và tốn kém cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận xét với chúng tôi.

Theo phân tích của luật sư này, số tiền gần 42 tỷ mà tòa xử Grab phải bồi thường trước đó là không hợp lý. "Như vậy là xử ép", ông nói và cho biết việc chứng minh thiệt hại của Vinasun không rõ ràng và thuyết phục.

Bản chất Grab đang cung cấp một loại dịch vụ mới, tác động đến dịch vụ cũ nhưng chưa hẳn đã mang hàm nghĩa cạnh tranh.

"Cạnh tranh là Grab phải thắng Vinasun mới tồn tại, đằng này là do Grab có sự khác biệt. Thị trường chấp nhận Grab cũng vì điều này. Đây cũng là lợi thế tự nhiên của công nghệ mang lại chứ không phải thủ thuật kinh doanh. Bảo Grab vi phạm luật cạnh tranh là không rõ ràng", ông nói.

Hơn nữa, tranh chấp còn được đặt trong bối cảnh thay đổi do làn sóng cách mạng công nghiệp. Vì vậy, ông Lập cho rằng việc xử theo quan điểm truyền thống không còn phù hợp.

Trao đổi thêm về vụ việc giữa Grab và Vinasun, PGS. TS. Võ Trí Hảo, khoa Luật, ĐH Kinh tế TP. HCM nhận xét cả nhà nước, tòa án và các phương tiện truyền thông đang đưa ra các chính sách, bình luận chung cho Grab/Uber.

Tuy nhiên, loại hình công nghệ này không hề "tĩnh", ngược lại, chúng luôn chuyển động trong dòng chảy công nghệ.

"Đằng sau giao diện đó hàng chục chức năng mà mỗi nửa phút, hoàn toàn có thể bị thay đổi", ông Hảo nói.

Như vậy, ông cho rằng khi tiếp cận loại hình công nghệ này cần phải "chẻ nhỏ" theo chức năng. Đó có thể là chức năng của kinh tế chia sẻ, là chức năng biến người lái xe trở thành lao động không được trả bảo hiểm xã hội… theo ông Hảo.

Sai và đúng giữa các chức năng có thể xen kẽ nhau. Như vậy, nếu không được mổ xẻ nhỏ, rất có khả năng nhiều lập luận, nhận xét sẽ rơi vào tình trạng vơ đũa cả nắm mà theo ông Hảo là "dùng một chiếc đũa bị cong để nói tất cả đều cong".

"Chúng ta nên chẻ thành 4 – 5 chức năng tương ứng với 4 – 5 chính sách khác nhau thay vì một chính sách duy nhất", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục