Ngày pháp luật

Tháo gỡ khó khăn trong phát triển luật sư hội nhập kinh tế quốc tế

B.Ngọc

Số lượng luật sư ở nước ta hiện nay đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đội ngũ luật sư hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế, chống bán phá giá… ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trong đó, kết quả nổi bật là sự phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Chủ động hội nhập

Như tại TP.HCM, hiện nay có khoảng 6.000 luật sư, gần 2.000 tổ chức hành nghề luật sư cùng hàng trăm chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, một số đánh giá cho rằng đội ngũ luật sư tại TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tuy nhiều về số lượng nhưng thiếu đồng đều về chất lượng, còn hạn chế trong việc tham gia tư vấn pháp lý đối với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Tháo gỡ khó khăn trong phát triển luật sư hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 1

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2017, TP.HCM đã tổ chức đánh giá, phân loại tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài. Qua đó định hướng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu. Cùng với việc đánh giá, phân loại, nhiều tổ chức hành nghề luật sư, các chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố đã chủ động hội nhập, tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp, Toà án, Cục Thi hành án dân sự để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ trọng tài viên, luật sư trong lĩnh vực thương mại.

Còn ở Hải Dương, công tác phát triển đội ngũ luật sư nói chung và luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đã được địa phương quan tâm thực hiện. Theo đó, Đoàn Luật sư tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” và các văn bản về triển khai thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng một số tổ chức hành nghề đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo đủ khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại Thái Bình, ngoài việc chú trọng  nâng cao chất lượng tranh tụng, tư vấn trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, hôn nhân, gia đình, một số luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã chọn tư vấn chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế. Tuy chiếm tỷ lệ chưa cao song dịch vụ tư vấn của các luật sư trong các lĩnh vực kinh tế quốc tế đã và đang khởi sắc. Trong đó, có nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư giao tiếp thông thạo bằng tiếng Anh và có đủ trình độ thực hiện những hợp đồng tư vấn lớn trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư thương mại mang tầm quốc tế. 

Doanh nghiệp chịu chi phí cao khi thuê các Công ty luật nước ngoài

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy, số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng giải quyết tranh chấp liên quan tới yếu tố nước ngoài ở nước ta còn nhiều hạn chế. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao. 

Vì vậy, để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, mới đây, Bộ Tư pháp đã có Công văn gửi tới các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện trách nhiệm được phân công theo Đề án 123.

Trong đó tập trung đánh giá về thực trạng tổ chức và hoạt động luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; đánh giá về sự phù hợp của pháp luật hiện hành liên quan đến luật sư hội nhập quốc tế; công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp trong việc thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ việc phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, giải pháp, kiến nghị để số lượng, chất lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tiếp tục được nâng cao. 

Tin Cùng Chuyên Mục