Hiện nay, tại Việt Nam đang có rất nhiều hình thức thanh toán điện tử khác nhau, như thanh toán qua các loại thẻ, ví điện tử, séc điện tử… trong đó thanh toán qua thẻ vẫn được sử dụng phổ biến.
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị giao dịch của các loại thẻ tại thị trường Việt Nam lên đến 34 tỷ USD, tuy nhiên giao dịch rút tiền vẫn còn lớn, chiếm hơn 80%.
Do đó tác dụng giảm sử dụng tiền mặt trong thanh toán chưa nhiều, mặt khác làm tăng áp lực đối với việc duy trì hoạt động và tiếp quỹ tiền mặt cho ATM.
Ngoài ra, hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở thành thị, trong khi khu vực nông thôn miền núi còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… được cho là những nguyên nhân khiến thị trường thanh toán thẻ của Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng.
Tại hội thảo, phần lớn các đại biểu đều cho rằng, với ưu điểm về thời gian và không gian, việc thanh toán qua thẻ mang lại nhiều lợi ích cho cả người sử dụng thẻ nói riêng và thanh toán điện tử nói chung trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Nhưng bên cạnh những lợi ích này, thanh toán qua thẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc nhận định những rủi ro này sẽ giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và chủ thẻ đưa ra những giải pháp để hạn chế bớt rủi ro, đồng thời thúc đẩy các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng phát triển.