Mỗi 1kg đáng giá bằng cả ngôi nhà
Từ xưa đến nay, ở Trung Quốc và một số nước châu Á, đông trùng hạ thảođược coi là vị thuốc quý của Đông y, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch; thậm chí được đẩy lên thành “thần dược” với giá đắt hơn vàng.
Theo đó, từ năm 1998 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá đông trùng hạ thảo tăng hơn 17 lần, lên 70 nghìn Nhân dân tệ/kg. Năm 2003, khi dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát, đông trùng hạ thảo lại được tôn sùng như một loại tiên dược, bởi các bác sỹ Tây Tạng tuyên bố rằng dùng đông trùng kết hợp với tây y sẽ giúp khỏi bệnh nhanh hơn so với việc chỉ dùng thuốc tây.
Được đẩy lên thành “thần dược” nên đông trùng hạ thảo có thể coi như một “cứu tinh” cho kinh tế của cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc). Tờ TheEconomist cho biết, cho đến nay, chưa có một ai có thể sản xuất được đông trùng hạ thảo chất lượng tốt trong điều kiện nhân tạo trên quy mô lớn. Vì vậy, người thực sự sành về đông trùng hạ thảo chỉ có thể trông vào nguồn cung cấp tự nhiên của Tây Tạng.
Nhờ đó, năm 2013, người Tây Tạng đã khai thác 50 tấn đông trùng hạ thảo và bán đi thu về 1,2 tỷ USD, tương đương với gần nửa doanh thu du lịch của khu tự trị này.
Ở Việt Nam, đông trùng hạ thảo Tây Tạng luôn là sản phẩm được giới nhà giàu Việt không tiếc tiền lùng mua về vì tin vào công dụng “thần dược” của chúng. Theo đó, đông trùng hạ thảo loại D rẻ nhất giá 7 triệu đồng/10g (từ 60-65 con), loại C giá 8,5 triệu đồng/10g (từ 50-55 con), loại B giá 10 triệu đồng/10g (khoảng tầm 40 con), loại A giá 12 triệu đồng/10g (tầm 26-30 con), loại vip giá 16 triệu đồng/10g (22-25 con) tương đương với 1,6 tỷ đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm đông trùng loại vip giá còn lên tới 2,2 tỷ đồng/kg.
Một dân buôn đông trùng hạ thảo Tây Tạng ở Hà Nội tiết lộ, 1kg đông trùng hạ thảo loại vip có giá trị bằng cả ngôi nhà hay một chiếc ô tô xịn, thế nhưng giới nhà giàu vẫn xếp hàng chờ mua trước cả vài tháng trời để về làm trà uống hàng ngày hay nấu súp, làm canh hầm bồi bổ sức khỏe.
“Cú lừa thế kỷ” khiến giới nhà giàu ngã ngửa
Xuất hiện trên thị trường Việt nhiều năm nay, đông trùng hạ thảo là loại đông dược chưa bao giờ hết sốt, muốn mua luôn phải đặt hàng trước. Song, vào năm 2016, báo chí Trung Quốc đã đăng tải loạt bài lật tẩy về “cú lừa thế kỷ” về loại “thần dược” này khiến giới nhà giàu ngã ngửa khi hay biết công dụng thật sự của chúng.
Cụ thể, theo tờ Sina.com, đông trùng hạ thảo trong dược học truyền thống Trung Quốc và đối với tuyệt đại đa số các học giả Trung Quốc chỉ loại dược liệu là thể phức hợp giữa một loài nấm có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng (bướm) thuộc chi Thitarodes.
Theo đó, tờ Sina chỉ rõ, trong y học truyền thống Tây Tạng, đông trùng hạ thảo chỉ có duy nhất phương thuốc dạng nước (tễ) để chữa một số bệnh... phụ khoa. Bằng chứng, một số công trình khoa học của nhiều bác sĩ nổi tiếng Trung Quốc khẳng định hoạt chất cordycepic acid có trong đông trùng hạ thảo từng được nâng tầm lên mức... thần thánh thực chất chỉ là mannitol - một sản phẩm hóa công nghiệp rất phổ biến và rẻ tiền, được dùng rộng rãi trong thực phẩm và dược phẩm.
Báo chí Trung Quốc đã lật tẩy về sự thật công dụng của đông trùng hạ thảo
Thậm chí, Sina.com còn dẫn một công trình đăng trên The Paper năm 2011, ông Vương Thành Thụ - nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu sinh thái thực vật Viện Khoa học Thượng Hải (Viện Khoa học Trung Quốc) đã công bố kết quả nhóm gene của đông trùng hạ thảo không hợp thành được cordycepin, chỉ có loại nấm cordyceps mới tạo ra được. Nghĩa là đông trùng hạ thảo không hề có công dụng đặc biệt gì cả, nó giống như khoa học khẳng định về cơ bản sừng tê giác cũng có cấu tạo và thành phần giống... móng tay người.
Chưa nói đến việc thổi phồng công dụng, các chuyên gia trong ngành ở Việt Nam còn cho biết, đông trùng hạ thảo bán trên thị trường phần lớn đều là hàng giả.
Vì lợi nhuận cao nên đông trùng hạ thảo là loại đông dược đang được làm giả một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. Các đối tượng làm giả có thể dùng bột mì, bột nghiền từ côn trùng, rồi trộn với keo, đúc thành đông trùng hạ thảo. Với công nghệ đúc hiện nay, các đối tượng sẽ đúc được những con đông trùng hạ thảo giả giống hệt như thật, TS Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm - Bộ NN-PTNT)
Trong khi đó, GS.TS. Phạm Hưng Củng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền (Bộ Y tế) tiết lộ rằng, phần lớn quan niệm hiện nay cho rằng đông trùng hạ thảo có nguồn gốc là từ Tây Tạng (Trung Quốc) và có giá rất cao, dao động từ 1-2 tỷ đồng/kg. Thời gian qua, thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ trong nước và nhập khẩu. Thế nhưng, khi đem sản phẩm đông trùng hạ thảo nhập khẩu đi kiểm nghiệm thì có chất lượng dược dưỡng không cao.