CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 với tổng nợ phải trả tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng, đạt ngưỡng hơn 21.000 tỷ đồng.
Trong đó, vay ngắn hạn (vay ngân hàng ngắn hạn và vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả) tăng mạnh thêm hơn 3.000 tỷ từ mức 5.836 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 8.913 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019. Vay dài hạn vẫn ở mức trên 1.100 tỷ đồng. Như vậy, tổng vay ngắn và dài hạn của Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã lên trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn vẫn còn gần 6.900 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn cũng ở mức khá cao, trên 2.200 nghìn tỷ đồng.
Tổng nợ hơn 21.000 tỷ đồng chưa phải thực sự cao so với tổng tài sản hơn gần 32.400 tỷ đồng của Thế Giới Di Động, nhưng nó cũng khiến không ít người lo ngại. Con số này cũng gần gấp đôi mức vốn chủ sở hữu gần 11.300 tỷ đồng của doanh nghiệp.
Lo ngại kịch bản xấu
Ông Nguyễn Đức Tài đang đứng trước cơ hội hiếm có, đó là thị trường bán lẻ đang phát triển thần tốc với quy mô 140 tỷ USD năm 2018 và dự báo lên mức 180 tỷ USD năm 2020. Tận dụng sức nóng này, MWG đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới bán lẻ của mình ở nhiều ngành hàng khác nhau.
Theo số liệu đến cuối tháng 8, MWG có tổng cộng 2.621 cửa hàng, gồm: 1.000 cửa hàng Thế giới di động, 886 cửa hàng Điện máy Xanh, 725 cửa hàng Bách hóa Xanh và 10 cửa hàng Điện thoại siêu rẻ.
Ngoài ra, có 85 cửa hàng kinh doanh đồng hồ. MWG dự kiến nâng tổng số cửa hàng kinh doanh đồng hồ lên khoảng 200 vào cuối năm nay. Thời gian tới, đại gia gốc Nam Định còn dự kiến sẽ bán thử xe đạp điện và kính cận. Có thể thấy, ông Nguyễn Đức Tài dường như vẫn tiếp tục muốn thử nghiệm những mặt hàng mới và ngày càng khó đoán với khách hàng vốn có của công ty. Chiếc lược phát triển mở rộng, hướng tới 1 đế chế bán lẻ được cho là hợp lý theo nhiều công ty chứng khoán, tuy nhiên cũng dấy lên nhiều lo ngại.
Cuộc chiến bản lẻ offline, online ở Việt Nam đang rất khốc liệt với những tay chơi sừng sỏ trong và ngoài nước, ví dụ như các ông lớn có tiềm lực tài chính rất mạnh như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong khi điện thoại bão hòa thì các mảng mới cũng không dễ ăn, trang web VuiVui.com được kì vọng cũng phải đóng cửa năm 2018
Không ít những trường hợp vay nợ lớn mà không kiểm soát cân đối được dòng tiền đã gặp khó khăn, thậm chí vỡ nợ phải bán mình như trường hợp: chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go bán cho Vingroup giá 1 USD; đại gia Pháp Auchan với hệ thống 15 cửa hàng bán mình cho đại gia Việt; Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) bán lại chuỗi 19 siêu thị Metro cho Tập đoàn TCC (Thái Lan)… Nhiều thương hiệu trong nước như Maximart, Citimart, Fivimart… cũng đã biến mất khỏi thị trường qua các cuộc mua bán - sáp nhập.
Thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của Thế Giới Di Động cũng giảm tốc đáng kể, không còn đạt con số lãi ròng “nghìn tỷ đồng” như hai quý đầu năm. Trong khi lĩnh vực điện thoại bão hòa thì các mảng mới cũng không “dễ ăn” chút nào.
Trước đó, hồi cuối 2018, ông Nguyễn Đức Tài cũng đã phải đóng cửa trang web VuiVui.com do từng tuyên bố mảng này sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Dường như ông trùm bán lẻ đã phải tạm dừng chân với mảng rất tiềm năng là thương mại điện tử.