Ngày pháp luật

Tham vọng "mọi phương tiện đều là xe điện" của Ấn Độ gặp khó vì thiếu trạm sạc

New Delhi, thành phố 31 triệu dân đến nay mới chỉ có 72 trạm sạc xe điện đang hoạt động và khoảng 100 trạm khác đang được xây dựng.Con số này là quá ít đối với kế hoạch đảm bảo 1/4 tổng số phương tiện được bán ra trong năm nay là xe điện của thành phố. 

H.S. Panno, một người dân sống ở New Delhi vừa tậu chiếc ô tô điện Nexon XZ + hồi tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên chỉ sau tháng sử dụng, Panno đã cảm thấy rất bất tiện vì xe chỉ đi được quãng đường 200km cho mỗi lần sạc, ngắn hơn rất nhiều so với lời quảng cáo của hãng xe là 315km/lần sạc. Điều này khiến anh không thể lái ô tô ra vùng ngoại ô vì không có trạm sạc xe. 

Anh Panno mua xe Nexon XZ + trong đợt khuyến mãi từ chính phủ nên được giảm 1.770 USD. Đây là mẫu xe tầm trung của nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Tata với mức giá 22.740 USD, gấp đôi giá các dòng xe chạy bằng xăng phổ biến trên thị trường.

“Đây là một chiếc xe tốt đối với tôi nhưng tôi vẫn lo ngại việc xe hết điện giữa đường do thiếu trạm sạc", Panno cho biết.

Anh Panno không thể lái ô tô ra vùng ngoại ô vì không có trạm sạc xe. Ảnh: APNews
Anh Panno không thể lái ô tô ra vùng ngoại ô vì không có trạm sạc xe. Ảnh: APNews

Tương tự, Ashok Kumar, một lái xe taxi ở New Delhi đã chuyển sang dùng xe điện từ 3 năm trước sau khi biết đến gói trợ cấp mua xe. Tuy nhiên Kumar đến giờ vẫn chưa nhận được khoản giảm giá 1.770 USD cho chiếc xe của mình. 

Mỗi ngày Kumar đều phải đặt báo thức để chở nhiều khách nhất có thể vào buổi trưa, vốn là giờ cao điểm, sau đó anh ta phải chạy thật nhanh về nhà để sạc xe. "Tôi phải sạc xe mất nửa ngày để có thể sử dụng trong vòng 5 tiếng", Kumar phàn nàn.

Hiện nay New Delhi, thành phố 31 triệu dân mới chỉ có 72 trạm sạc đang hoạt động và khoảng 100 trạm khác đang được xây dựng. Con số này là quá ít đối với kế hoạch đảm bảo 1/4 tổng số phương tiện được bán ra trong năm nay là xe điện của thành phố. 

Một vấn đề khác là với những chiếc xe dùng để kinh doanh, hầu hết chủ xe đều phải sạc trước ở nhà và họ xem các trạm sạc công cộng chỉ là giải pháp cuối cùng. 

Hiện nay xe điện vẫn chưa phổ biến ở Ấn Độ, nơi có hơn 300 triệu phương tiện giao thông nhưng chủ yếu là xe ga và xe ba bánh. Điều này không chỉ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng mà còn gây ô nhiễm môi trường cho quốc gia tỷ dân này.

Bởi vậy Ấn Độ đang nỗ lực hiện thực hóa tham vọng "mọi phương tiện đều là xe điện" nhằm giảm thiểu khói bụi. Tuy nhiên nỗ lực này đang vấp phải nhiều cản trở đến từ công nghệ sản xuất xe và hậu cần.

Trong năm 2019, Ấn Độ ghi nhận tổng số 400.000 xe điện được đăng ký, chiếm chưa đến 0,2% tổng số phương tiện giao thông trên cả nước. Đến tháng 3 năm ngoái, có 25.650 xe điện được bán trên cả nước trong đó 90% là xe hai bánh và ba bánh.

New Delhi, thành phố 31 triệu dân mới chỉ có 72 trạm sạc đang hoạt động. Ảnh: APNews.
New Delhi, thành phố 31 triệu dân mới chỉ có 72 trạm sạc đang hoạt động. Ảnh: APNews.

Theo hãng tin APNews, thị trường xe điện Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ 20%/năm do 5 công ty lớn dẫn đầu bao gồm: Tata, Mahindra & Mahindra Ltd, MG Motor India, Olectra Greentech Ltd và JBM Auto Ltd. Ngoài ra các công ty khởi nghiệp cũng tích cực tham gia vào cuộc cạnh tranh này.

Tuy nhiên việc sản xuất xe điện và phụ tùng trong nước đang diễn ra chậm chạp do thiếu lực cầu. Những công ty mới nhảy vào thị trường xe điện Ấn Độ chủ yếu dựa vào nguồn hành nhập khẩu giá rẻ nhưng chất lượng rất kém. 

Năm ngoái, nước này đã phải tăng thuế nhập khẩu xe điện và phụ tùng xe. Chính sách này nhằm khuyến khích việc sản xuất xe trong nước để nâng cao chất lượng xe đồng thời hạ giá thành sản phẩm. 

Giới chức Ấn Độ xem xe điện là giải pháp để xử lý tình trạng đường phố ngột ngạt đầy khói bụi, mặc dù nguồn điện để sạc những chiếc xe này đến từ các nhà máy điện than, vốn gây ô nhiễm môi trường không kém gì lượng phương tiện giao thông không lồ ở đất nước này. 

Chính quyền Thủ đô New Delhi đã ban hành nhiều khoản trợ cấp cho những người mua xe điện lần đầu tiên bao gồm việc miễn thuế đường bộ và lệ phí trước bạ, đồng thời có các ưu đãi khuyến khích việc đổi xe xăng và diesel sang xe điện mới. Hiện nay khoảng một nửa số bang ở Ấn Độ đã soạn thảo chính sách ưu đãi tương tự nhằm khuyến khích người dân chuyển sang dòng xe điện.

Theo hãng tin APNews, nỗ lực tăng cường sử dụng xe điện là một xu hướng tất yếu của toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện đã tăng 40% vào năm 2019 so với một năm trước đó, chiếm 2,6% tổng doanh số bán xe trên toàn thế giới, tương đương khoảng 1% tổng số xe.

Tuy nhiên thời gian gần đây, chính quyền TP New Delhi đã loại bỏ Nexon XZ + và Nexon XM ra khỏi danh sách ô tô được hưởng chính sách ưu đãi do phạm vi hẹp của dòng xe này. 

Hãng ô tô Tata cho biết quãng đường 315 km của  Nexon XZ + được xác định bởi Hiệp hội Nghiên cứu ô tô Ấn Độ. Tuy nhiên quãng đường thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như điều kiện thời tiết, người lái, công ty này cho biết.

Hiện nay Ấn Độ đang thu hút nhiều công ty xe điện cả trong và ngoài nước đến phát triển dự án. Trong nước có hãng xe Tata đang chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng trị giá 54 triệu USD tại bang Gujarat, Ấn Độ. Công ty nước ngoài có Toshiba-Denzo-Suzuki của Nhật Bản đang lên kế hoạch một trung tâm sản xuất ô tô và pin cho các dòng xe máy Maruti Suzuki và Suzuki ở bang Gujarat. Elon Musk gần đây cũng thông báo việc Tesla có kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất xe điện ở miền nam Ấn Độ. Tuy nhiên thách thức lớn nhất mà các ông lớn ngành này gặp phải đó là tình trạng thiếu trạm sạc. 

Jasmine Shah, Phó chủ tịch Ủy ban Đối thoại và Phát triển Delhi - tổ chức tư vấn của chính phủ đã đưa sáng kiến sử dụng xe điện - đã bác bỏ những lời phàn nàn trên. 

“Ấn Độ cần xe điện để cải thiện môi trường. Chúng tôi chỉ đơn giản tập trung vào việc kích thích nhu cầu sử dụng xe điện. Phần còn lại sẽ tính sau", ông Shah cho biết.

Tin Cùng Chuyên Mục