Thị trấn nông trường Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào thời mà nhà máy chè Sông Cầu được hình thành. Một nhà máy đã từng mang sản phẩm chè của quê hương đến nhiều nước trên thế giới.
Tuy vậy khoảng 10 năm trở lại đây, nhà máy hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Cả một vùng nguyên liệu hơn 400 ha do công nhân quản lý nay buộc phải thâm nhập thị trường để cạnh tranh. Những nương chè già cỗi được chăm bón theo phương thức cũ nên không có được giá bán cao. Những người công nhân của nhà máy một thời vang bóng thì nay lại trở thành những nông dân cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai đề án xây dựng “Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Mô hình này đã được thực hiện trên diện tích 50ha tại thị trấn Sông Cầu với 150 hộ tham gia, đến nay đã đạt được những tín hiệu tích cực trong canh tác, sản xuất cây chè.
Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Thịnh An (Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: Ban đầu nhiều hộ còn băn khoăn do phải thay đổi phương thức canh tác và phải thực hiện nhiều công việc từ ghi chép sổ nhật ký đến chọn lọc thuốc bảo vệ thực vật... Thậm chí, nhiều người còn lo lắng rằng chè theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ bị đánh đồng với chè thông thường, giá bán không cao. Vì vậy, Ban Quản trị HTX đã đến từng hộ để tuyên truyền, vận động bà con áp dụng thử nghiệm quy trình trên một số diện tích để người dân thấy được hiệu quả. Sau 3 năm triển khai, đến nay 100% diện tích trồng chè của các hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn đã được chăm sóc theo quy trình VietGAP.
Khi áp dụng mô hình sản xuất mới, HTX thường xuyên mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện đến tập huấn cho bà con. Trong quá trình thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra luôn đẩy mạnh và kịp thời. Tại đồi bãi, bà con được quán triệt dùng thuốc phun, phân bón theo đúng danh mục được Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Thái Nguyên) định hướng. Người dân sau khi phun thuốc cho cây phải thu gom, xử lý đúng nơi quy định, dùng máy cắt cỏ thay cho thuốc diệt cỏ, tránh thuốc ngấm xuống đất gây hại về lâu dài. Bên cạnh đó, HTX cũng quán triệt người dân phải tự ghi chép nhật ký chăm sóc cây chè của riêng gia đình mình. Đối với cơ sở cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi lại rõ thời gian bán hàng, người mua, cách tư vấn và cách hướng dẫn người dân phun. Đặc biệt, HTX còn thành lập Tổ bảo vệ thực vật để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân, hướng dẫn, cung cấp kiến thức phòng diệt sâu hại, bảo vệ những loài thiên địch…
Trước đây, vì người dân chưa biết cách ủ phân nên khi bón làm cây bị “xót” gốc, ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng. Từ khi người dân được trang bị kỹ năng chăm sóc cây chè đúng cách, năng suất cũng tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, năng suất chè bình quân đạt 11,2 tấn/ha, (tăng 2,6 tấn/ha), thu nhập đạt 249 triệu đồng/ha, cao gấp 2,3 lần so với trước khi thực hiện mô hình (106 triệu đồng/ha). Chè bán ra thị trường có giá từ 150 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Khác với vị đắng khi bón bằng phân hóa học, búp chè bây giờ khi được chăm sóc theo hướng an toàn đã trở nên đậm đà hơn, đọng lại vị ngọt, thơm ngon và chất lượng hơn.
Đặc biệt, HTX chè Thịnh An đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên năm 2019 và 2020. Qua đó, chất lượng và giá trị của chè Sông Cầu càng được khẳng định trên thị trường. Ngoài ra, vì thực hiện tốt việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy nguồn gốc nên đầu ra của sản phẩm rất tốt. Không những trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, chè Thịnh An còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Malaysia, Nhật Bản… Hơn nữa, từ khi thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn, bà con thị trấn Sông Cầu đã có sự thay đổi lớn về tư duy, cách làm, trách nhiệm với đất, sinh vật, sức khỏe người tiêu dùng và chính sản phẩm mình làm ra.