Ngày pháp luật

Thái Nguyên: Huy động tổng lực phát triển bền vững khu công nghiệp

Hải Long

Với tiềm năng, thế mạnh và nền tảng truyền thống xây dựng khu công nghiệp (KCN), Thái Nguyên vẫn đang tập trung mạnh mẽ vào việc duy trì, phát triển lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này. Đó cũng là sợi dây kết nối các cấp ngành, hệ thống chính trị và toàn thể người dân, doanh nghiệp trên địa bàn!

Chia sẻ về những lợi thế trong lĩnh vực này của tỉnh nhà, ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho hay: Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng với vị trí địa lý quan trọng, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp lớn như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang; Cách sân bay Quốc tế Nội Bài chỉ khoảng 50 km, cách cảng Hải Phòng khoảng 160 km, hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Việc sở hữu hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ là nền tảng và đòn bẩy giúp Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển trong khu vực.

Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Đặc biệt, Thái Nguyên được biết đến như một địa phương có truyền thống phát triển công nghiệp, là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đón nhận sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài khi tiến hành hội nhập. Hiện, Thái Nguyên có 07 KCN tập trung với tổng diện tích 2.395 ha, trong đó đã có 05 KCN đi vào hoạt động, 02 KCN được Chính phủ mới chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN cả nước và đang được tích cực triển khai các bước trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là KCN Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300ha và KCN K - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình với diện tích phần đất công nghiệp là 675 ha.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, trong đó Thái Nguyên có 4.245ha đất công nghiệp với 11 KCN và 01 Khu CNTT tập trung, từ đó đảm bảo quỹ đất đáp ứng nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nguồn lực rất lớn nhằm phát triển mạnh mẽ các KCN trên địa bàn tỉnh.

Nhờ tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi số, ưu đãi đầu tư cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được nguồn lực lớn từ nguồn vốn đầu tư FDI với 136/268 dự án đầu tư trong các KCN, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,5 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Tập đoàn Samsung.

KCN Thái Nguyên
KCN Thái Nguyên

Thái Nguyên cũng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tập đoàn lớn, nhiều kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, qua đó tận dụng tốt thị trường khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI của các đơn vị đầu tư hạ tầng KCN.

Với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng, tạo động lực phát triển, sử dụng ít đất, sử dụng ít lao động phổ thông, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao, với nguồn lực và dư địa lớn của tỉnh, tin tưởng rằng trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ trở thành một điểm sáng trong cả nước về phát triển các KCN.

Sự phát triển của KCN Thái Nguyên dựa trên những điều kiện thuận lợi nào? Đâu là kinh nghiệm để đẩy mạnh phát triển KCN trong tình hình mới, thưa ông?

Để phát triển và thu hút đầu tư tốt trong các KCN, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã tham mưu cho tỉnh tập trung vào phát triển nguồn lực về đất đai; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Tập trung cải cách hành chính và chuyển đổi số với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của tỉnh, thể hiện ở những ưu đãi đầu tư, bằng những hành động quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thi hành công vụ của các cấp, các ngành.

KCN Thái Nguyên
KCN Thái Nguyên

Làm tốt những vấn đề này chính là tạo cho mình sự thuận lợi lớn hơn bên cạnh thuận lợi về vị trí địa lý. Lợi thế về địa lý, về phát triển nguồn lực đất đai, quy hoạch phát triển,

Thái Nguyên đã đạt được kết quả tốt như đã nêu ở trên.

Với số dân gần 1,3 triệu người, đứng 27/63 tỉnh, thành cả nước, Thái Nguyên sẽ đáp ứng tốt yêu cầu đối với nguồn nhân lực trong cả nhu cầu hiện tại và tương lai phát triển của các KCN trên địa bàn. Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thái Nguyên được Trung ương xác định là trung tâm giáo dục, văn hoá của cả vùng Trung du miền núi phía Bắc, trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về hệ thống giáo dục chuyên nghiệp với 09 trường Trung cấp nghề, 11 trường Cao đẳng, 09 trường Đại học.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong công tác chuyển đổi số, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số với nhiều thành quả như C-Thái Nguyên, ThaiNguyenId cùng nhiều phần mềm chuyên dụng của các ngành, địa phương được xây dựng và áp dụng hiệu quả, qua đó được Trung ương đánh giá cao, nhiều tỉnh đến học tập kinh nghiệm. Đây là sự vào cuộc kịp thời nhằm đưa Thái Nguyên từng bước hội nhập vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Việt Nam đã tham gia, thực thi, ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA cùng với định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI.

KCN Thái Nguyên
KCN Thái Nguyên

Đối với các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa, mang tính động lực phát triển vùng sẵn có góp phần không nhỏ tới việc phát triển ngành công nghiệp, thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ vào các KCN.

Đây chính là những thuận lợi cũng là kinh nghiệm mà Thái Nguyên xây dựng trong quá trình phát triển các KCN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gần 3 năm qua và vẫn chưa kết thúc. Với số lượng các công ty, doanh nghiệp lớn như vậy, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã triển khai các hoạt động gì để vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19, trên cơ sở rút kinh nghiệm phòng chống dịch của cả nước, của cơ sở, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra các phương án, kế hoạch, vật tư đảm bảo phòng chống dịch. Trong nhiều điều kiện cần có sự quyết đoán, quyết liệt và sự đoàn kết, đồng thuận của toàn thể các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tới ý thức chấp hành của từng lao động trong KCN, qua đó Thái Nguyên đã bảo vệ an toàn sản xuất của các KCN, trong các KCN không có doanh nghiệp phải đóng cửa do Covid-19.

Với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên xác định phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, tập trung mọi nguồn lực phục hồi sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý và người lao động tại các KCN, qua đó đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt các mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, việc triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 đạt 91%, đã tiêm mũi 4 đạt 67%, còn lại thuộc các trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng, ngoài ra Ban Quản lý đã có kế hoạch giám sát và triển khai tiêm đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.

Trụ sở Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên
Trụ sở Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên

Không chỉ vậy, trong từng quý, Ban Quản lý đã tổ chức các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong các KCN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan hỗ trợ tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN được duy trì ổn định; Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại KCN ước tính đạt được 9 tháng năm 2022 khả quan, đều vượt cao so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra như: Giá trị doanh thu: 26,289 tỷ USD, đạt 80,14% kế hoạch, tăng 120, 75% so cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu: 24,959 tỷ USD, đạt 84,607% kế hoạch, tăng 115,27% so cùng kỳ.

Tin Cùng Chuyên Mục