Ngày 3/7, Cục Thú y Thái Lan đã có công văn gửi Cục Thú y Việt Nam bổ sung thêm 45 doanh nghiệp Thái Lan được phép xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Tuy nhiên, phía Việt Nam chưa hồi âm công văn này.
Trao đổi với Doanhnhan.vn, lãnh đạo Cục Thú y cho biết đã tiếp nhận được thư của Cục Thú y Thái Lan đề nghị bổ sung thêm nhiều công ty xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam. Tuy nhiên qua rà soát, cơ quan này nhận thấy phần lớn các công ty này không có trang trại chăn nuôi lợn, mà chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc buôn bán lợn.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục nhấn mạnh việc phải bảo đảm các lô lợn sống nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ những trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Cục Thú y hiện đã báo cáo ngay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về vấn đề này.
Vị này cho biết đang trao đổi, đàm phán với Cục Thú y Thái Lan đề nghị cung cấp thêm các tài liệu liên quan của các công ty mới đăng ký bổ sung để xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam.
Một số doanh nghiệp cho biết hiện việc nhập khẩu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam còn nhỏ giọt nên không đủ tác động đến giá thịt heo trong nước. Theo Cục Thú y, tính đến ngày 5/7, hiện mới có 7 công ty nhập gần 9.000 con lợn sống về đến Việt Nam.
Theo đại diện của Công ty TNHH Thành Đô (Nghệ An), một trong 13 doanh nghiệp nhập khẩu lợn từ Thái Lan, trong số lợn đã nhập chủ yếu là lợn giống, số lợn thương phẩm để giết mổ làm thực phẩm chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH Thành Đô, một trong số đơn vị nhập khẩu, khi về đến cửa khẩu Thái Lan - Lào, giá lợn vào khoảng 75.000 đồng/kg. Khi về đến các trại cách ly tại Việt Nam giá lên đến 85.000-86.000 đồng/kg, xấp xỉ giá lợn trong nước. Bởi vậy, doanh nghiệp khó có thể bán giá thấp hơn để bình ổn thị trường thịt heo như kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Nếu bổ sung 45 doanh nghiệp mới vào danh sách, giá lợn xuất khẩu vào Việt Nam sẽ giảm khoảng 600.000-700.000 đồng/con. Bởi vậy, hiện nhiều thương nhân đã tạm dừng nhập khẩu lợn để chờ cơ quan thú y thông qua việc bổ sung 45 doanh nghiệp.