Ngày 24/3, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) tiến hành ký kết thêm phần phụ lục hợp đồng của thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên. Thỏa thuận trước đó được ký vào tháng 8/2018, Thaco rót vào HAGL 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% Công ty công nghiệp HAGL và 51% Công ty cổ phần HAGL land.
Ngoài ra còn có khoản vay ưu đãi 14.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị khoản hợp tác lên tới 20.000 tỷ đồng.
Nội dung phụ lục hợp đồng được ký thêm không được tiết lộ chi tiết nhưng Thaco sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn với HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Thaco sẽ chuyển đổi thêm những khu đất mà HAGL vốn dùng để trồng cao su, cọ dầu ở Lào và Campuchia để trồng cây ăn quả.
|
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức. |
Hai bên cũng sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong việc chế biến trái cây. Theo đó sản lượng cây ăn quả đã có cộng với trồng mới sẽ được Thaco chế biến sâu để xuất khẩu. HAGL và Thaco không chỉ xuất khẩu trái cây tươi mà sẽ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đã qua chế biến rồi mới xuất khẩu.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HAGL cho biết doanh nghiệp này phấn đấu trong năm 2019 sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây tươi, đến năm 2021 sẽ đạt 1 triệu tấn.
Trong một động thái khác, để cụ thể hóa thỏa thuận giữa 2 bên, tỷ phú Trần Bá Dương cho biết Thaco cũng bỏ ra hơn 8.000 tỷ đồng để xây dựng một khu công nghiệp chuyên về nông nghiệp, trọng tâm là chế biến trái cây xuất khẩu tại Chu Lai, Quảng Nam. Khu công nghiệp này sẽ mời gọi các doanh nghiệp chế biến nông sản đến cùng mở nhà máy, song song với khu công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô hiện có.
Trong khu công nghiệp này, Thaco cũng bỏ ra 2.400 tỷ đồng để xây dựng một nhà máy chế biến trái cây với công suất 500.000 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ vận hành vào tháng 6/2020. Thaco cho biết sẽ chế biến xoài, mít, bưởi tại đây để xuất khẩu.
|
Không chỉ giúp HAGL xuất khẩu trái cây tươi, Thaco còn giúp bầu Đức chế biến nông sản xuất khẩu. |
Ngoài ra, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ xây một nhà máy tương tự tại khu vực Đông Nam Bộ, một nhà máy chế biến gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, và đưa khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tại Thái Bình vào hoạt động.
Những nhà máy này sẽ chế biến sản lượng nông sản khổng lồ từ diện tích trái cây của bầu Đức. Hiện HAGL cũng đã ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ trái cây với các đối tác Trung Quốc. HAGL sẽ coi đất nước 1,4 tỷ dân là thị trường trọng điểm của mình