Trong suốt quá trình hoạt động, chỉ có 43 người da trắng, đều là nam giới trở thành quản lý của Pictet. Họ có nhiệm vụ giám sát khối tài sản hơn 600 tỷ franc (tương đương 662 tỷ USD) và mức lợi nhuận thậm chí còn vượt xa các công ty được niêm yết cùng ngành có quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Pictet đang phải đối mặt với một nỗi lo ngại sẽ làm rạn nứt sự gắn kết của công ty: các nhân viên chủ chốt bắt đầu rời đi. Cụ thể trong năm 2019 đã có hàng chục nhà quản lý lâu năm tại đây xin nghỉ việc. Cũng chỉ trong vài ngày của tháng 9/2019, 4 nhân viên cấp cao trong nhóm chăm sóc khách hàng Nga đã nộp đơn từ chức. Tiếp đó, tình trạng nghỉ việc hàng loạt của các nhân viên ngân hàng tại khu vực Scandinavia và Israel, điều này đã đặt hàng tỷ USD mà công ty đang quản lý vào nguy hiểm.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chính là xung đột văn hóa. Các nhân viên lâu năm không hài lòng về phong cách quản lý mới, đặc biệt khi khối tài sản mới ở châu Á đang phát triển mạnh mẽ. Việc này đã tạo ra cuộc chạy đua quyết liệt về tài sản và nhân tài với những đối thủ lớn hơn như ngân hàng UBS và HSBC.
Tuy nhiên, đối với một số người, quá trình thay đổi không diễn ra đủ nhanh. Không ít người từng tin vào lời hứa “phục hưng” Pictet đã lại ra đi trong nỗi thất vọng.
Phỏng vấn nhanh với những người từng làm việc cho Pictet cho thấy nhà băng này đang đứng trước ngã ba đường với thách thức “phải thích ứng nhanh để dẫn đầu”. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro nhiều hơn cũng như buộc thay đổi mối quan hệ với khách hàng.
Chính vì vậy, những nhân viên đã quen với nguyên tắc làm việc thận trọng và bí mật sẽ cảm thấy không còn chung chí hướng. Nhưng nhìn về mặt tích cực, sự thay đổi này cũng mang lại cơ hội mở rộng quy mô tập đoàn trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi tỷ lệ hao mòn lao động tại Pictet Wealth Management đang ở mức thấp nhất mọi thời đại là 2,8% thì việc rời đi của các nhân viên lâu năm lại được dịp bàn tán xôn xao khắp tòa trụ sở 5 tầng. Tình trạng này khiến những bên liên quan cảm thấy lo ngại vì họ coi đây giống như một cuộc tấn công vào Pictet - tổ chức vốn nổi tiếng với sự ổn định, ít biến động.
Pedro Araujo, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Fribourg cho biết: “Pictet đang đứng giữa hai thế giới. Một là thế giới cũ của các ngân hàng tư nhân ở Geneva, và hai là thế giới mới của nền tài chính toàn cầu hóa - nơi họ muốn hiện diện trên trường quốc tế và thể hiện mình một cách vừa đủ. Hai thế giới này đang trên đà va chạm nhau. "
Những năm gần đây, Pictet đã cố gắng chuyển mình để thích nghi với thế giới mới. Ngân hàng đã chuyển đổi địa vị pháp lý của mình sau khi dừng đạo luật bảo mật ngân hàng vào năm 2014, do đó cũng tiết lộ nhiều chỉ số hoạt động hơn. Một trong những thành viên hợp danh là Rémy Best cũng đã đưa ra sự thay đổi lớn trong hoạt động quản lý tài sản cho giới giàu có
Tuy nhiên, để thích nghi một cách toàn diện và lâu dài thì một “gương mặt” mới, phù hợp với tổ chức là điều bắt buộc. Và Boris Collardi - người từng là CEO của ngân hàng đối thủ Julius Baer đã gia nhập Pictet đáp ứng đủ yêu cầu đó. Việc gia nhập Pictet không chỉ khiến ông trở thành người trẻ nhất trong lịch sử nắm giữ cương vị này mà còn đánh dấu lần đầu tiên phần lớn thành viên trong công ty không phải là con cháu của những người sáng lập. Hiện châu Á vẫn là thị trường quan trọng của Collardi bởi ông muốn tiếp cận tầng lớp giàu có gồm các tỷ phú mới nổi chuẩn bị truyền lại sự giàu có cho các thế hệ sau.