Diễn đàn Kinh tế thế giới đã chỉ ra những rào cản đối với nền kinh tế số ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Vì kinh tế số dựa vào công nghệ, nên vấn đề cần quan tâm đầu tiên là chính sách phát triển công nghệ. Song, công nghệ chỉ là “điều kiện cần”, còn phải có thêm “điều kiện đủ” thì mới có thể giúp kinh tế số phát triển bền vững. Vậy “điều kiện đủ” là gì và liệu đó có phải là thách thức đối với việc phát triển kinh tế số tại nước ta?
Các hoạt động trong nền kinh tế số đều dựa trên công nghệ và các giao dịch được tiến hành thông qua các nền tảng kết nối Internet. Do đó, tiềm năng phát triển của kinh tế số chính là dữ liệu được kết nối và chia sẻ trên các nền tảng ứng dụng công nghệ. Chính nhờ có dữ liệu lớn mà các mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện.
Thế nhưng, việc kết nối dữ liệu của nước ta đang là bài toán khó, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích: “Một trong những vấn đề quan trọng của nền kinh tế số đó là dữ liệu. Thế nhưng mà thực trạng của chúng ta là thế nào? Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng thực trạng rất là manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông. Khi dữ liệu đang xây dựng, chưa được kết nối liên thông thì chúng ta đang ở giai đoạn rất là ban đầu. Nếu chúng ta không làm tốt vấn đề này, thì đừng bao giờ nói chuyện kinh tế số.”
Dự thảo Nghị định Định danh điện tử và dự thảo Nghị định Chia sẻ Dữ liệu vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên chưa có được sự thống nhất giữa việc cung cấp dữ liệu, sử dụng dữ liệu; cũng như chưa định danh được các cá nhân trên môi trường mạng. Điều này dẫn tới việc, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khi muốn tham gia các nền tảng, ứng dụng trong nền kinh tế số, vẫn phụ thuộc vào dữ liệu của doanh nghiệp nước ngoài; nên cũng khiến cho các dịch vụ nội khó có thể cạnh tranh bình đẳng với các dịch vụ xuyên biên giới từ doanh nghiệp nước ngoài.
“Nếu nói về một nền kinh tế số mà chúng ta không nắm được ai đâu, cái gì ở đâu trong nước Việt Nam mà chúng ta phụ thuộc vào một "ông" khác, thì đây cũng là một vấn đề rất căng thẳng. Hiện nay tất cả các doanh nghiệp làm về thương mại điện tử, về hậu cần thì đều phải mua API của Google, để có thể biết được đón khách ở đâu, đưa đến đâu, hay là chuyển hàng về đâu. Chúng ta bị rất bất lợi và không có dữ liệu nền tảng, chúng ta không làm được gì cả” - ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT cho biết.
Các doanh nghiệp kinh tế số ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh mạnh của doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh: KT)
Là người sáng lập dịch vụ cho vay ngang hàng thông qua ứng dụng Fiin trên Internet, để kết nối người vay với người cho vay, anh Trần Việt Vĩnh - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin - cũng gặp khó khăn khi không có đủ cơ sở dữ liệu.
“Với những mô hình nền tảng về dịch vụ về công nghệ, những mô hình dịch vụ công nghệ số để triển khai được tốt, đảm bảo hơn thì chúng tôi cũng rất cần sự kết nối chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước. Ví dụ như thông tin cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an, nếu có cơ sở dữ liệu tập trung có thể chia sẻ với cả doanh nghiệp, thì sẽ giúp định danh và xác minh khách hàng một cách chính xác hơn, giảm thiểu các rủi ro. Khó khăn nữa mà chúng tôi có thể chia sẻ là vấn đề về hành lang pháp lý, để điều chỉnh cho việc thay đổi những mô hình dịch vụ” - ông Trần Việt Vĩnh nói.
Khung chính sách thử nghiệm còn được gọi là Sandbox, chính là việc các doanh nghiệp được thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong khoảng thời gian và không gian nhất định dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi vì, với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nếu không có khung pháp lý thử nghiệm - sandbox, thì có thể dẫn tới nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: “Rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp thường là nỗi lo về việc hồi tố, tức là vì chưa có quy định pháp luật, nếu mà làm sai thì sau này thì quy định pháp luật mới ra đời lại bảo là doanh nghiệp làm sai, tức là cái rủi ro về hồi tố. Thực chất Việt Nam đã có những doanh nghiệp vướng phải các rủi ro về hồi tố, một số các vụ đại án ngân hàng trước đây là một số các cá nhân đã từng bị truy tố bởi vì khi mà họ làm cái việc đấy thực hiện hoạt động kinh doanh đấy chưa có các quy định pháp luật cụ thể.”
Một khó khăn khác là các doanh nghiệp kinh tế số ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Tính đến hết tháng 6 năm nay, đã có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử, mà đa phần là của các doanh nghiệp nước ngoài như Grab, đang cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước như Go-Việt, Be, MyGo,..
Do đó, nhiều doanh nghiệp “sinh sau, đẻ muộn” đã phải kêu gọi các doanh nghiệp trong nước cần đồng lòng xây dựng Hệ sinh thái công nghệ của người Việt, để nâng cao vị thế của các doanh nghiệp tại thị trường Việt.
Ông Trần Thanh Hải - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Be Group nêu ý kiến: “Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt vị thế tại thị trường trong nước, chủ động vươn xa đến thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt phải chủ động đầu tư chất xám, xây dựng công nghệ công nghệ, giá trị cốt lõi của công nghệ Việt.”
Nhiều doanh nghiệp truyền thống cũng chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin, để có thể thay đổi cách thức kinh doanh. Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài hơn doanh nghiệp Việt Nam về tiền đầu tư, kinh nghiệm triển khai các mô hình trong nền kinh tế số do đó sự cạnh tranh sẽ khó khăn.
“Khi chuyển đổi từ làm bằng con người sang làm bằng máy, thì có những thách thức vô cùng lớn, đó là cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Du lịch trực tuyến ở nước ngoài, họ hơn ta về kinh nghiệm, họ đi trước 25 năm, họ hơn ta về tiền, họ hơn ta đủ mọi thứ. Song, quan điểm của chúng tôi đó là công nghệ cao. Đây là một trong những bước đi, mà phải chuyển đổi từ công ty du lịch sang công ty công nghệ” - ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Tập đoàn HG cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, một yếu tố thách thức đối với kinh tế số, đó là việc sử dụng tiền mặt vẫn quá lớn. Dù doanh số thương mại điện tử ở nước ta đạt giá trị 8,5 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng tỷ lệ giao dịch trực tuyến còn rất nhỏ, do người mua hàng chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt cho phần lớn các giao dịch thương mại điện tử, tức là COD - cứ hàng hóa đem đến trả bằng tiền mặt thì cái này là một trong những trở ngại rất lớn. Bởi vì nó làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cả hai bên đều nghi ngờ lẫn nhau và như thế nó làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công các giao dịch, nên khả năng bị từ chối cũng rất cao” - ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định.