Ngày pháp luật

Tết buồn của một môi giới chứng khoán

Theo Lê Hải/Người Đồng Hành

Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư rời khỏi thị trường khiến nhân viên môi giới chứng khoán cũng lao đao trong những tháng cuối năm Mậu Tuất.

“Tết năm nay chán lắm, không sắm sửa được gì, chẳng bù cho năm ngoái”, anh Nguyễn Lâm, nhân viên môi giới của một Công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần sàn HoSE, chia sẻ với phóng viên NDH.

Anh Lâm vào nghề chứng khoán từ đầu năm 2017. Sau 6 tháng học nghề và thử việc, anh được nhận chính thức ở vị trí nhân viên môi giới khách hàng cá nhân. Một ngày của anh tại công ty bắt đầu bằng việc tổng hợp tin tức, gửi khuyến nghị trước giờ giao dịch. Phần lớn thời gian, anh theo dõi bảng giá và gọi điện cho khách hàng khi “có biến” hay xuất hiện cơ hội. Hết giờ giao dịch, anh xem biến động các tài khoản và tìm kiếm khách mới.

Tết buồn của một môi giới chứng khoán - Ảnh 1

 

2 năm qua, số lượng đầu việc không đổi nhưng từ nửa cuối 2018, anh ít bận và khó khăn hơn. Nguyên nhân vì lượng nhà đầu tư (NĐT) mở tài khoản rất ít, trong khi khách cũ giảm tần suất giao dịch.

“Mọi người hầu như không quan tâm hoặc chán nản khi nghe về chứng khoán”, anh tâm sự.

Số lượng tài khoản giao dịch (active) giảm 40% so với thời điểm VN-Index hướng đến 1.204 điểm. Gần đây, anh quản lý 30 tài khoản và khách hàng cũng chỉ giao dịch 2-3 lần/tuần.

Tài sản ròng (NAV) anh quản lý cũng giảm 20-30%. Đa số khách hàng đều rút tiền sau khi thị trường biến động. Những NĐT còn tiền cũng hạ tỷ trọng vay ký quỹ.

“Nếu đầu 2018, phí giao dịch có thể đạt trên 100 triệu đồng, thì tới cuối năm việc duy trì trên 30 triệu cũng rất khó”, anh nói.

Trong khi đó, chỉ tiêu doanh số tại công ty vẫn như giai đoạn trước. Số lượng môi giớikhông đạt chỉ tiêu tăng, có thời điểm chiếm hơn 20% nhân sự phòng, “3 đồng nghiệp đã nghỉ, mấy cô cậu thực tập không qua được thử việc”. Bản thân anh Lâm mấy tháng qua cũng phải tự lấy tài khoản cá nhân giao dịch để “quay” đủ doanh số.

Từ tháng 4, sau khi đạt đỉnh lịch sử, chứng khoán Việt Nam rơi vào thị trường giá xuống, chỉ số nhiều phiên mất 4-5% giá trị. Thanh khoản giảm. Tới tháng 12, giá trị giao dịch khớp lệnh còn quanh 60.000 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với đầu năm.

Lo ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, động thái tăng lãi suất của Fed và xu hướng rút tiền của khối ngoại là nguyên nhân khiến thị trường chao đảo.

Thanh khoản TTCK Việt Nam 2018

Tết buồn của một môi giới chứng khoán - Ảnh 2

 

Đợt giảm mạnh từ đỉnh tháng 4, anh may mắn tránh được, chỉ lỗ ít ở một vài mã. 3 tháng sau, anh giữ tiền mặt và chờ đợi thị trường hồi phục để đầu tư.

Giai đoạn tháng 7-10, thị trường giữ đà đi lên, VN-Index hồi phục từ 891 lên hơn 1.000 điểm.

“Nghĩ “trend” tăng xuất hiện anh mới vào lại. Nhưng thị trường lại cho một cú giáng”, anh Lâm nói.

Chỉ số sàn HoSE rơi từ 1.020 điểm, về quanh 895 điểm, xóa thành quả quý trước chỉ trong 1 tháng. Đến giữa tháng 12, diễn biến này lặp lại. Sau khi hồi phục về 955 điểm, VN-Index rơi xuống quanh 880 điểm trong 2 tuần, trở về thời điểm gần 2 tháng trước.

“Anh mất nhiều nhất chính là vào thời gian này, thử bắt vài lần, không ngờ nó lại xuống tiếp”, anh Lâm trải lòng. “Tài khoản của anh lỗ hơn 30%, đa số tài khoản quản lý cũng mất 20-30%”.

Sau nhiều lần bị “dội gáo nước lạnh”, NĐT mất niềm tin về đà tăng, chuyển sang tâm lý lo ngại, dần rút tiền.

“Bản thân mình làm lỗ tiền của khách cũng rất áy náy, 1 lần thì còn chấp nhận, chứ 2-3 lần thì người ta khó tin nữa”, anh Lâm tâm sự, cũng vì vậy tìm kiếm khách hàng mới rất khó.

Tết buồn của một môi giới chứng khoán - Ảnh 3

 “Thị trường ảm đạm, khách hàng cũng nghỉ dần coi như anh mất tết”.

Những nhân viên môi giới giống anh Lâm phúc lợi dịp tết không cao như khối “back office”, lương cứng chỉ 3-4 triệu đồng, chủ yếu dựa vào phí giao dịch và tự đầu tư. “Thưởng” của anh gắn liền với sự sôi động của chứng khoán.

Khi được hỏi về kỳ vọng và chiến lược năm tới, anh cười: “Thị trường lúc nào cũng được như cuối 2017 đầu 2018 thì tốt quá”. Nhưng chắc khó!

Theo anh Lâm, lãi suất đang tăng, xu hướng gửi tiền tiết kiệm lan rộng. “Đây là điều cơ bản thôi, vì lãi suất tăng thì mức độ chấp nhận rủi ro ở kênh đầu tư khác cũng hạ xuống, họ muốn an toàn”.

Nhiều người cũng tìm đến trái phiếu doanh nghiệp với lợi tức ổn định. Riêng với bản thân, anh Lâm chia sẻ, "có nhiều tiền anh sẽ đầu tư bất động sản, nhất là đất nền nội đô, cận thành phố xung quanh Hà Nội, đất có hạn kiểu gì cũng lên".

Riêng về cổ phiếu, anh Lâm nhận định nhóm bất động sản và ngân hàng có thể chú ý trong 2019. Thời kỳ tăng trưởng của các bluechips sản xuất đã qua. Bằng chứng là nhiều quỹ đầu tư đã cơ cấu lại danh mục. Dragon Capital giảm tỷ trọng cổ phiếu Vinamilk – doanh nghiệp tăng trưởng điển hình, ra khỏi top 10 danh mục và đầu tư vào nhiều công ty phát triển và môi giới bất động sản như CENLand, Đất Xanh, Hải Phát…

“Năm tới, anh sẽ cân nhắc một số mã đầu tư và vẫn rất thận trọng. Nghề chứng khoán này áp lực nhưng mang lại nhiều cảm xúc. Lúc tất cả còn đang lạc quan thì đột ngột xuất hiện rủi ro. Nhưng khi phần lớn bi quan sẽ có cơ hội không ngờ. Quan trọng nhất là cần cân bằng cảm xúc và bình tĩnh để nắm bắt được”, anh nói, mắt nhìn cố định vào chén trà trên tay.

Tin Cùng Chuyên Mục