Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng
Gia đình là tế bào của xã hội. Một xã hội phồn thịnh phải có nhiều gia đình hưng long, một gia đình hưng long phải vượng về phong thủy. Phong thủy thì muôn hình vạn trạng, đầy những biến thông, vậy nhân tố nào mới là quyết định? Hãy đi tìm tế bào gốc trong phong thủy để xem điểm cốt lõi của sự thịnh vượng trong gia đình nằm ở chỗ nào, từ đó mà thuận theo trời đất, chuyển nguy thành an, kết thúc nghèo hèn, đạt tầng khá giả. Có như vậy thì mỗi thành viên mới có thể cảm thấy hoan hỉ trong lòng, yêu thương tổ ấm, vun đắp tình thân, trọn lòng cốt nhục...
1. Ngũ gia hưng vượng
Gia sản: Là mức độ tích lũy về tiền bạc, của cải của một gia đình. Con người khác vạn vật ở nhiều điểm nhưng một trong những sự khác biệt là biết gây dựng tài sản sau khi thỏa mãn nhu cầu sinh tồn. Vì vậy sự giàu có cũng là thước đo cho sự thành công. Cổ kim đều biết, suy vượng của một gia đình gắn liền với phước phần và phong thủy của dòng tộc. Đôi khi chỉ cần một ngôi mộ phát phúc hay một căn nhà vượng địa thì kinh tế sẽ từng bước đi lên, làm ăn như diều gặp gió. Lắm khi vô tình sửa mộ, sửa nhà, đặt sai vị trí thì tiền tài đội nón ra đi, gia sản lâm vào khánh kiệt.
Gia cảnh: Là mức độ mạnh khỏe, đủ đầy của các thành viên trong mối quan hệ của tổ ấm. Nếu nhà ít người mà già yếu thì gọi là neo đơn. Nếu nhà đông người mà ốm đau, ly tán, mâu thuẫn thì được hiểu là rối nhiễu. Ngược lại nhà đầy đủ vợ chồng, con cái, lại mạnh khỏe, an vui, đoàn kết thì gia cảnh được hiểu là yên lành, đầm ấm. Thông thường, gia cảnh sum vầy hay ly tán, mạnh khỏe hay ốm đau, đông nhiều hay ít ỏi, đoàn kết hay mâu thuẫn được quyết định bởi các nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là vận nhà suy kiệt. Khi địa thế trái ngược, thiên tú hình xung, mạch khí thất tán thì gia cảnh khó mà cường vượng.
Gia thế: Là mức độ quyền uy và vị trí của gia đình trong xã hội. Thông thường, chỉ những nhà có người làm quan hoặc phú quý mới được coi là có gia thế. Gia thế về cơ bản là phúc lộc song toàn, vừa được quyền cao, lại nhiều của cải. Trong phong thủy, trạch vượng là một trong những tác nhân tạo ra gia thế. Vì vậy, việc tầm soát phong thủy để duy trì gia thế là rất cần thiết, tuy nhiên đừng quá tham lam, phước đến đâu thì cầu đến đó, nếu không vật cùng tắc phản bạo phát thì bạo tàn.
Gia phong: Là mức độ nề nếp, quy tắc ứng xử của gia đình, cả trong vấn đề đối nội và đối ngoại. Một nhà có gia phong là có những chuẩn mực giao tiếp, được dạy dỗ từ buổi ban đầu hoặc từ khi còn nhỏ. Nếu có thể điều chỉnh nhà cửa cho thuận tinh lợi địa sẽ chuyển xung thành hợp, chuyển hỗn thành hiền, không chỉ mang lại hòa khí mà thống nhất được trật tự “quốc có quốc pháp, gia có gia phong”.
Gia đạo: Là tư tưởng, phương châm lối sống của gia đình. Gia đạo cần có người khởi xướng, truyền bá và nuôi dưỡng cho các thành viên trong nhà. Đây là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, bám sát và lâu dài. Nhà nào có gia đạo thì nhà đó dễ có sự bình yên và phát triển lâu dài. Việc này có quan hệ với long mạch và khí vận của mảnh đất, nếu được nơi đắc địa thì gia đạo sẽ hưng long, nếu phạm phải phong thủy thì khí mạch uế tạp, sẽ lầm đường lạc lối, sau dần sẽ nguy hại.
2. Tam vòng liên minh
Một gia đình bản Việt thường có mối liên hệ ba vòng tình thân đó là: Tình đôi lứa, tình cốt nhục và tình họ tộc. Vòng cốt lõi là tình đôi lứa với hai nhân tử quan trọng là vợ và chồng. Họ sống với nhau dựa trên bốn trục xúc cảm là tình duyên, tình dục, tình yêu và tình nghĩa. Vòng thứ hai là tình cốt nhục được mở rộng ra tới những người có quan hệ máu mủ trực tiếp gồm cha mẹ, anh em, con cái. Cuối cùng, vòng lớn nhất vây quanh gia đình là tình họ tộc. Đó là một mối quan hệ chằng chéo theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Chiều ngang gồm những người đang sống với những thế hệ cận kề “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chiều dọc gồm những người đời trước mà khi lần theo phả hệ sẽ biết được cội nguồn, gốc rễ tổ tiên, thông qua nhà thờ, gia phả, mồ mả cha ông.
3. Bát cung bao bọc
Trong lá số tử vi, trung tâm của mỗi cá nhân là cung mệnh. Từ cung này, chạy theo cánh tả gọi là cánh nhập, bắt đầu là cung phụ mẫu, kế cung phúc đức, tiếp cung điền trạch, tới cung quan lộc. Thứ nuôi dưỡng cung mệnh cần có cha mẹ, ông bà tổ tiên, từ đó mới tới phúc phần đất đai nhà cửa, công danh để đời, những điều này lệ hệ với gia phần gia thế như đã nói ở trên. Cũng từ cung mệnh, chạy theo cánh hữu gọi là cánh sinh, bắt đầu là cung huynh đệ, rồi tới phu thê, kế là tử tức, sau là tài bạch. Ngầm ý rằng, anh em, chồng vợ như thể tay chân, đoàn kết hay ly tán, mạnh khỏe hay ốm đau hoàn toàn liên quan đến phần gia cảnh. Kết hợp cánh nhập và cánh sinh mới mang lại thành quả cho cung tài lộc. Nhưng đó là bố cục lá số của một cá nhân, còn khi đặt trong mối quan hệ của một gia đình nó bắt đầu bị chi phối. Những nhân tử chung của gia đình dần dần sát nhập và hội tụ để hình thành một tế bào gốc, nó là gì và nó có khả năng ra sao, đó là một vấn đề vô cùng thú vị.
4. Tam trục cơ sở
Con người ta có rất nhiều chỗ để đi nhưng chỉ có duy nhất một chốn để về. Đó là gia đình. Gia đình là chiến lũy cuối cùng để chúng ta nương tựa. Nếu bất cứ một thành viên nào trong gia đình không ổn nghĩa là chiến lũy đó bị vỡ một khúc boong-ke, thủng một đoạn hào thì trận địa này đâu có thể bình an cho được. Vì thế, bảo vệ gia đình là chính là bảo vệ bản thân, nó dựa trên ba trục cơ sở là nền móng, mạch nguồn và quần sinh gia tộc.
Nền móng: Đây là nguồn lực chung của gia đình, nó bao gồm sức khỏe, trí tuệ và sinh kế. Sức khỏe, trí tuệ và sinh kế được truyền lại từ thế hệ trước nhưng đó cũng là một dạng phúc phần. Nếu phúc phần này đủ lớn thì nền tảng gia đình càng vững chãi nhưng thời gian sẽ bào mòn, cần phải liên tục xới vun và đổi mới. Nếu phúc phần này mỏng mảnh thì gia đình đó có nhiều sự ốm đau, đình trệ và nghèo đói. Vì thế, sức khỏe, trí tuệ và sinh kế phải luôn được rèn luyện, củng cố, đổi mới và phát triển.
Mạch nguồn: Đó là những giá trị truyền thống của dòng họ. Nếu đó là một gia đình có lịch sử khoa bảng thì những thế hệ sau vẫn luôn có tinh thần hiếu học, coi sự học là mục tiêu lớn của đời. Nếu đó là một gia đình có lịch sử giàu có thì các lớp cháu con cũng thừa hưởng tố chất kinh doanh, chí thú làm ăn, coi sự gia tăng tài sản là động lực phát triển. Trong nhiều trường hợp, mặc dù truyền thống chưa có nhưng người khởi xướng trong gia đình hiện tại lại có vai trò định hướng cho một nguồn mạch mới. Mạch nguồn đó được đặt trong bối cảnh mới với khát khao chấn hưng gia tộc.
Quần sinh: Đó là mối quan hệ thuyết thống, bao gồm tình phu thê, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình tỉ muội, tình thúc bá. Chúng quấn quýt vào nhau như sợi tơ hồng. Những gia đình có truyền thống tương thân tương ái càng lớn thì sự quấn quýt càng mạnh, nó tạo ra một hợp lực quần sinh, che chở cho nhau, nâng đỡ nhau để tồn tại và phát triển.
Phong thủy: Phong thủy ảnh hưởng trực tiếp đến nền móng, mạch nguồn và quần sinh của gia tộc. Nếu phong thủy suy kiệt thì sức khỏe giảm sút, đầu óc bế tắc, sinh kế khó khăn, làm cho nền móng bị sụt lở. Nếu phong thủy hư nhược thì truyền thống bị xói mòn, cháu con lầm đường lạc lối, mạch nguồn bị hao tổn. Nếu phong thủy thất tán thì quan hệ huyết thống bị tan rã, phân ly, thù nghịch, làm cho quần sinh bị đổ vỡ. Ngược lại, phong thủy mộ phần hay gia trạch được đắc khí thì gia đạo mạnh khỏe, an vui, đoàn kết, sáng trí, thi đua phát triển, gia tộc chẳng mấy mà hưng, cá nhân mỗi người đều vượng. Khi được như vậy thì lại càng cùng nhau quấn quýt, thương yêu, một đời tương trợ, sớm muộn cũng trở thành danh gia vọng tộc, tiếng thơm truyền mãi, phúc khí bền lâu. Nhưng làm thế nào để biết được phong thủy gia đình đã tốt hay chưa? Đó lại là câu chuyện tầm soát, tầm soát phong thủy.
Tầm soát phong thủy: Tầm soát phong thủy là một trong ba bước dự phòng để đạt được sự bình an và thịnh vượng cho mỗi gia đình: Tìm kiếm tư vấn phong thủy trước khi xây nhà, lập mộ để được cát tránh hung; Tầm soát và phát hiện sớm các dấu hiệu suy vi hoặc phạm phong thủy; Thực hiện các giải pháp khắc phục phong thủy nhằm chuyển họa thành phúc hoặc kéo dài thời kỳ hưng vượng của gia tộc. Ở nước ta, đa phần người dân chỉ tìm kiếm bước cuối cùng khi trong nhà đã xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Đó là sự hối tiếc muộn màng bởi thời điểm quan tâm đã tương đối trễ, nếu may mắn gặp được thầy được thuốc thì những thiệt hại về người và của đã xảy ra là không thể nào phủ nhận.
Tầm soát phong thủy là một trong ba bước dự phòng để đạt được sự bình an và thịnh vượng cho mỗi gia đình: Tìm kiếm tư vấn phong thủy trước khi xây nhà, lập mộ để được cát tránh hung; Tầm soát và phát hiện sớm các dấu hiệu suy vi hoặc phạm phong thủy; Thực hiện các giải pháp khắc phục phong thủy nhằm chuyển họa thành phúc hoặc kéo dài thời kỳ hưng vượng của gia tộc...