Báo cáo tiến độ và trình bày một số nội dung cơ bản của dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, dự án Luật dự kiến gồm 11 Chương với 90 Điều, tập trung giải quyết 05 nhóm chính sách lớn gồm: (1) xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp; (2) phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững; (3) phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (4) xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; (5) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.
Đề xuất mở rộng thêm loại hình Văn phòng công chứng
Về tổ chức, hoạt động của Văn phòng công chứng, dự thảo Luật hiện nay đang được xây dựng theo hướng Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Trí Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đều đề xuất mở rộng thêm loại hình doanh nghiệp tư nhân. Các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp tư nhân cũng có cơ chế chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân giống như công ty hợp danh.
Đồng thời, việc cho phép có thêm loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ phù hợp với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ở những vùng này, việc công chứng chưa nhiều, Văn phòng công chứng chỉ cần 01 công chứng viên cũng có thể đáp ứng. Ngoài ra, quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh và tình trạng “mượn danh” đang xảy ra như hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ với các nghề bổ trợ tư pháp khác như luật sư, đấu giá tài sản.
Đối với tên gọi của Văn phòng công chứng, đồng chí Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy định hiện hành bộc lộ nhiều điểm vướng mắc, bất cập. Cụ thể, Luật Công chứng hiện nay quy định tên Văn phòng công chứng được đặt theo tên của công chứng viên hợp danh và không được trùng với tên Văn phòng công chứng đã có.
Như vậy, trong trường hợp tên của 02 công chứng viên hợp danh tại một Văn phòng công chứng dự kiến thành lập lại trùng với tên của công chứng viên hợp danh tại Văn phòng công chứng khác đã được lấy làm tên gọi của Văn phòng công chứng đó thì Văn phòng công chứng sắp được thành lập sẽ không thể có tên gọi theo quy định.
Mặt khác, việc đặt tên Văn phòng công chứng theo tên công chứng viên hợp danh dẫn đến tình trạng Văn phòng công chứng thường xuyên phải thay đổi tên gọi khi công chứng viên không còn hành nghề tại tổ chức đó gây tốn kém về thời gian, chi phí cho thủ tục thay đổi tên gọi, gây nhầm lẫn cho người yêu cầu công chứng về Văn phòng công chứng, Văn phòng công chứng không giữ được thương hiệu gây dựng lâu năm...
Do đó, đồng chí nhất trí việc cho phép Văn phòng công chứng đặt tên theo thỏa thuận giữa các thành viên hợp danh, bảo đảm không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Xây dựng quy trình công chứng phải khoa học, hiệu quả, giảm chi phí
Bên cạnh đó, thành viên Ban soạn thảo cũng cho ý kiến về vấn đề công chứng điện tử tại dự án Luật. Theo đó, các đại biểu cơ bản đều nhất trí rằng dự án Luật chỉ nên quy định những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến công chứng điện tử như khái niệm, quy trình, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử... còn các vấn đề cụ thể về điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, thủ tục công chứng điện tử, việc xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu công chứng, lộ trình thực hiện thì sẽ giao cho Chính phủ quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Tổ biên tập tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi); rà soát tính đồng bộ, tính phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác; đồng thời bám sát các chính sách được đề xuất tại đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc xã hội hóa để thu hút các khu vực xã hội tham gia vào hoạt động này là cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân; từ đó góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội, an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự thương mại, kinh tế theo nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổ biên tập phải xác định rõ hạn chế nào của hoạt động công chứng là do quy định pháp luật, hạn chế nào là do việc chấp hành pháp luật, việc tổ chức thi hành pháp luật để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, Tổ biên tập cần nghiên cứu kỹ việc xây dựng quy trình công chứng khoa học, hiệu quả, giảm chi phí để đảm bảo bản chất của hoạt động công chứng và vị trí, vai trò của chức danh công chứng viên; tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai chuyển đổi số trong hoat động công chứng.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Tổ biên tập phải xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tăng cường trách nhiệm và siết chặt quản lý đối với đội ngũ công chứng viên, từ đó xây dựng quy trình bổ nhiệm công chứng viên cho phù hợp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm nghề công chứng viên để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Về hoạt động công chứng điện tử, Bộ trưởng cơ bản thống nhất với các quy định nguyên tắc cơ bản tại dự án Luật; đồng thời đề nghị Tổ biên tập giải trình cụ thể việc mở rộng loại hình tổ chức Văn phòng công chứng để có thêm phương án lựa chọn; làm rõ quy định mức trần về phí, thù lao công chứng và các chi phí khác.