Ngày pháp luật

Tập đoàn Thiên Thanh vẫn quyết tâm đầu tư dự án Sân vận động Chi Lăng

Theo Người Lao Động

Dù chính quyền TP Đà Nẵng chủ trương thu hồi dự án Sân vận động Chi Lăng nhưng Tập đoàn Thiên Thanh vẫn quyết tâm thực hiện dự án và khẳng định có nguồn lực mạnh để triển khai

Chiều 9/7, Tập đoàn Thiên Thanh đã tổ chức buổi họp báo tại Trung tâm Báo chí TP HCM để thông tin thực trạng pháp lý và kế hoạch đầu tư phát triển dự án tại Sân vận động Chi Lăng ở TP Đà Nẵng. Tham dự có nhiều đối tác đầu tư của Tập đoàn Thiên Thanh, trong đó có Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank) của Hàn Quốc.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh thông tin rằng năm 2010, hưởng ứng sự kêu gọi đầu tư của TP Đà Nẵng, doanh nghiệp này đã nộp 1291 tỉ đồng để được cấp hơn 55.000 m2 đất ở Sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu) thực hiện dự án. 

Do nộp tiền một lần trong 60 ngày nên Tập đoàn Thiên Thanh được giảm trừ 10%, sau đó toàn bộ dự án được phân thành 14 lô. Trong đó, 10 lô được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, do vướng vào vụ án ông Phạm Công Danh (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) nên dự án này bị kê biên để đảm bảo thi hành án. 

Hiện nay, TP Đà Nẵng có chủ trương thu hồi lại số đất đã giao cho Tập đoàn Thiên Thanh và sẽ hoàn trả lại số tiền đã thu từ tập đoàn này. Trong khi đó, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn mong muốn gặp gỡ, đàm phán với TP Đà Nẵng để tiếp tục dự án.

Luật sư Phan Trung Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động
Luật sư Phan Trung Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động

"Trong suốt thời gian qua, tập đoàn luôn nổ lực, tích cực hợp tác cùng Đà Nẵng trong mọi lĩnh vực. Với sự chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, Tập đoàn Thiên Thanh và các đối tác khẳng định quyết tâm cam kết đầu tư dự án, tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định trình lên TP Đà Nẵng để tiếp tục triển khai dự án, góp phần vào sự thịnh vượng chung của Đà Nẵng hiện tại và tương lai. Rất mong chính quyền TP Đà Nẵng có quan điểm hỗ trợ để Thiên Thanh được tiếp tục làm dự án này" - ông Đào Thế Liêm, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, bày tỏ.

Về thông tin 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sai mục đích, lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng căn cứ vào thông báo của chính quyền Đà Nẵng trong việc mời gọi đầu tư thì đơn giá đất là đất ở với 4 mặt tiền đường. Tập đoàn Thiên Thanh nộp tiền thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời hạn sử dụng là lâu dài. Việc cấp giấy chứng nhận này là trách nhiệm của TP Đà Nẵng sau khi Thiên Thanh nộp đủ tiền và được giảm 10%, về phía tập đoàn là không có sai phạm gì. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về tính khả thi để tiếp tục thực hiện dự án, theo luật sư Phan Trung Hoài (đại diện pháp lý Tập đoàn Thiên Thanh) thì tổng số tiền nợ gốc của tập đoàn trong các bản án là hơn 3.900 tỉ đồng. Hiện tại, Tập đoàn Thiên Thanh và các bên liên quan đã có nhiều cuộc gặp gỡ để đạt thỏa thuận chung. 

Về các bản án, luật sư Phan Trung Hoài nói: "Các bên đã chốt nợ gốc, tính toán đến các phương pháp đối trừ; cơ quan thi hành án Đà Nẵng đã có ý kiến thì giữa Ngân hàng Xây Dựng và Thiên Thanh sẽ có một tiếng nói chung, trao đổi thống nhất về lãi".

Về việc Đà Nẵng muốn thu hồi lại sân vận động Chi Lăng và trả lại tiền đã thu của Thiên Thanh, tập đoàn nói rằng vẫn có khả năng đầu tư, nguyện vọng muốn tiếp tục đầu tư.

Trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn Thiên Thanh có lỗi gì không? Luật sư Phan Trung Hoài cho biết: "Nếu nói về quy hoạch và những trao đổi, thỏa thuận thì về góc độ pháp lý, doanh nghiệp không thể định ra về quy hoạch, mật độ mà phải dựa vào quyết định của UBND TP Đà Nẵng và pháp luật. Trong thông báo mời gọi của TP Đà Nẵng thì mục tiêu là xây dựng khu trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng".

Ngay từ đầu, bài toán đặt ra để mời gọi đầu tư thuộc thẩm quyền của TP Đà Nẵng, thấy được cơ hội nên Tập đoàn Thiên Thanh mới đầu tư một lần số tiền gần 1300 tỉ đồng. TP Đà Nẵng đã phê duyệt ranh giới sử dụng đất và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện theo sự hướng dẫn, thu hút đầu tư của chính quyền. Trong quá trình thực hiện dự án thì Tập đoàn Thiên Thanh không có lỗi gì. Thực tế, tập đoàn chỉ mới nhận 5% mặt bằng và với số đất này thì không thể thực hiện dự án.

"Về giá đất thì lúc đó giá đất để mua là đất ở và chúng tôi không bình luận việc cấp giấy chứng nhận là sai hay đúng. Từ năm 2015 đến 2019, Tập đoàn Thiên Thanh liên tục có đơn đăng ký làm việc với TP Đà Nẵng để có cuộc gặp gỡ, tạo sự đồng thuận. Hiện tại, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn mong muốn được giải tỏa những khó khăn đối với dự án Sân vận động Chi Lăng" - đại diện pháp lý Tập đoàn Thiên Thanh nhấn mạnh.

Năm 2010, thực hiện chủ trương di dời sân vận động ra khỏi trung tâm thành phố và dành khu đất tại khu vực Sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, TP Đà Nẵng có chủ trương thu hồi khu đất này để kêu gọi đầu tư dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ Chi Lăng. Trong quá trình kêu gọi đầu tư vào năm 2010, TP Đà Nẵng chỉ nhận được đề nghị tham gia đầu tư dự án của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập thủ tục giao khu đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Công ty này đã đề nghị tách thửa cho các công ty thành viên và được UBND TP chấp thuận.

Sau đó, sân vận động Chi Lăng được tách thành 14 lô và được UBND TP Đà Nẵng cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh vào 2011. Năm 2013, 2014, các công ty này đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất trên để vay vốn tại ngân hàng.

Link bài gốc