Ngày pháp luật

Tập đoàn tài chính Nhật dừng đầu tư vào Ngân hàng Quốc dân

Theo Minh Sơn/VnExpress

Từng cam kết chắc chắn sẽ rót vốn, song thương vụ giữa J Trust và NCB vẫn không thể thực hiện do vướng mắc một điều khoản.

Chia sẻ tại phiên họp thường niên mới tổ chức, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết J Trust đã dừng thực hiện thương vụ đầu tư vào nhà băng này. 

Tập đoàn tài chính Nhật dừng đầu tư vào Ngân hàng Quốc dân - Ảnh 1

J Trust, tập đoàn tài chính Nhật Bản, đã dừng thương vụ đầu tư vào NCB.

J Trust, tập đoàn tài chính Nhật Bản, từng có ý định trở thành cổ đông chiến lược của NCB. Tại phiên họp thường niên năm trước, hai đại diện của tổ chức này đã có mặt và khẳng định thương vụ đầu tư "sắp hoàn tất". Tuy nhiên, đến đầu năm nay, tập đoàn này lại cho biết ý định tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có nguyện vọng đầu tư vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB), thay vì NCB.

"Hai bên đã có những thảo luận liên tục trong thời gian dài, thống nhất hầu hết nội dung về tỷ lệ cổ phần, mức giá, thời gian đầu tư... Tuy nhiên có một vấn đề cuối cùng là J Trust muốn có được sự chấp thuận ngay từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc đầu tư, nhưng điều này ban lãnh đạo ngân hàng không thể cam kết", ông Dũng nói và cho biết đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc đầu tư không thành.

Sau thương vụ bất thành với J Trust năm 2018, năm nay Hội đồng quản trị NCB tiếp tục trình phương án tăng vốn điều lệ, tuy nhiên đã mở rộng đối tượng chào bán sang cả cán bộ công nhân viên, cổ đông chiến lược trong nước và cổ đông hiện hữu. 

Theo tờ trình gửi cổ đông, NCB dự kiến tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên, đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài hoặc các đối tượng khác theo quy định. Ngoài ra, nhà băng này cũng đề xuất việc phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Theo đó, vốn điều lệ NCB đến năm 2020 (bao gồm cả việc chuyển đổi trái phiếu) sẽ đạt 10.000 tỷ đồng, so với mức 3.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2018.

Đưa ra phương án tăng vốn, song đại diện NCB cũng cho biết hiện Hội đồng quản trị vẫn chưa thống nhất lộ trình và các điều kiện phát hành. Các thông tin này sẽ phụ thuộc vào việc tham gia của các cổ đông chiến lược, và sẽ được ban lãnh đạo NCB họp, công bố với cổ đông trong thời gian tới. Trong báo cáo của Hội đồng quản trị, năm 2018 NCB đã làm việc với hơn 10 ngân hàng, quỹ đầu tư, ngoài J Trust nhà băng này còn làm việc với Warburg Pincus, Clemont Group, Shanghai Commercial & Savings Bank...

Về kế hoạch kinh doanh, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 18% với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 đạt 400 tỷ đồng, gần gấp đôi thực hiện năm 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức 70 tỷ, giảm gần 20%.

Theo ông Dũng, kế hoạch lợi nhuận giảm trong khi các hoạt động khác tăng do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro trong năm nay, theo đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đang trình cơ quan quản lý phê duyệt. "Lợi nhuận làm được trong những năm tới sẽ giành chủ yếu để trích lập dự phòng, đảm bảo việc xử lý nợ xấu trong thời gian nhanh nhất theo đề án đang trình Ngân hàng Nhà nước", Chủ tịch NCB cho biết.

Năm 2018, NCB báo lãi 88 tỷ đồng, tăng gần gấp ba cùng kỳ, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 16%. Huy động vốn và cho vay khách hàng trong năm tăng lần lượt 10,2% và 11,1%. 

Cũng theo đại diện NCB, ngân hàng đã hoàn tất việc bán lại trụ sở cũ tại TP HCM. Giá trị bán tài sản ghi nhận vào doanh thu khác trong kỳ đạt 850 tỷ đồng.

Tại phiên họp, đại diện NCB cũng trình việc điều chỉnh số lượng nhân sự thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 xuống 6 người, với việc miễn nhiệm ba thành viên là ông Vũ Hồng Nam, bà Nguyễn Thị Mai và ông Lê Hồng Phương; đồng thời bầu bổ sung một thành viên là Phó tổng giám đốc Phạm Thế Hiệp.

Tin Cùng Chuyên Mục