Ngày pháp luật

Tập đoàn nhà chồng Hà Tăng là 'ông trùm' lĩnh vực nào?

Theo Quang Thắng/Zing

Phân phối nhiều hàng hiệu nhất tại Việt Nam, tập đoàn nhà chồng Hà Tăng cũng là công ty tư nhân lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không với các cửa hàng miễn thuế.

Công ty XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) là một ví dụ điển hình của doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam khi 100% vốn sở hữu tại đây đều thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Bên cạnh đó, HĐTV và ban lãnh đạo hiện tại của công ty cũng chỉ gồm 4 thành viên trong gia đình vị đại gia này. Trong đó, ông Hạnh Nguyễn, giữ ghế Chủ tịch HĐTV; vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc điều hành và 2 người con trai Louis Nguyễn (chồng Hà Tăng) và Phillip Nguyễn giữ vị trí Phó tổng giám đốc.

Với 34 năm hoạt động, tập đoàn này hiện sở hữu 17 công ty thành viên và 18 công ty liên kết trong đó mảng kinh doanh nổi bật nhất của tập đoàn chính là phân phối thời trang và kinh doanh hàng miễn thuế.

Tập đoàn nhà chồng Hà Tăng là 'ông trùm' lĩnh vực nào? - Ảnh 1
4 thành viên trong gia đình ông Hạnh Nguyễn đồng thời là cổ đông và lãnh đạo chính tại IPP Group.

Ông trùm hàng hiệu

Theo báo cáo mới nhất về vốn sở hữu tại IPP Group tính đến đầu năm 2018, tập đoàn này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Hạnh Nguyễn chỉ nắm giữ 1% cổ phần, bà Thủy Tiên nắm giữ 59% và hai con trai Philip – Louis cùng nắm giữ 20% cổ phần mỗi người.

Với định hướng là tập đoàn bán lẻ, hiện IPP Group kinh doanh trong 6 lĩnh vực chính gồm thời trang, ẩm thực, dịch vụ sân bay, quảng cáo, du lịch và trung tâm thương mại.

Thông qua DAFC, tập đoàn này hiện nắm giữ 70% thương hiệu thời trang và mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam gồm nhiều cái tên nổi tiếng như Rolex; Burberry; D&G; Versace…

Trong khi đó, ACFC & CMFC tập trung phân phối các thương hiệu thời trang cấp trung. Hệ thống này hiện cũng dẫn đầu về số lượng hàng hiệu sở hữu tại thị trường Việt Nam với Levis; Mango; Calvin Klein, Nike…

Trong khi đó, mảng thực phẩm và đồ uống (F&B) được IPPG F&B quản lý với các chuỗi cửa hàng lớn như Bánh Mì Kẹp, Burger King; Popeyes; Domino Pizza…

Các cửa hàng bán lẻ tại sân bay quốc tế và các cửa hàng miễn thuế của IPP Group hiện do IPPG Travel Retail quản lý. Công ty này cũng đang là đối tác của 4 cảng hàng không quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, với 24 cửa hàng.

Ngoài ra, IPP Group cũng là chủ sở hữu của hai trung tâm thương mại nổi tiếng bật nhất tại TP.HCM và Hà Nội. Thông qua IPPG Galleria, tập đoàn này đã chi ra hơn 25 triệu USD để đầu tư vào Rex Arcade (TP.HCM), khu mua sắm cao cấp đầu tiên tại TP.HCM từ năm 2010.

Tại Hà Nội, IPPG Galleria cũng đã chi hơn 45 triệu USD để cải tạo lại Tràng Tiền Plaza vào năm 2013.

Tập đoàn nhà chồng Hà Tăng là 'ông trùm' lĩnh vực nào? - Ảnh 2
Tràng Tiền Plaza trung tâm thương mại cao cấp nổi tiếng nhất Hà Nội thuộc sở hữu của IPP Group. 

Mới nhất, IPP Group đã thành lập thêm IPPG Tech chuyên phân phối bản lẻ và trung tâm bảo hành các sản phẩm công nghệ. Nhiều nguồn tin cho biết đây sẽ trở thành hệ thống cửa hàng APR (Apple Premium Reseller - đại lý cấp 1) của Apple tại thị trường Việt Nam, cao hơn so với cấp 2 AAR (Apple Authorised Reseller) của phần lớn cửa hàng trên thị trường.

Tính đến cuối năm 2018, IPP Group cho biết tập đoàn đã đầu tư hơn 500 triệu USD thông qua 30 dự án lớn, nhỏ tại Việt Nam.

Trong năm 2015, tập đoàn này cũng ghi nhận hơn 480 triệu USD doanh thu.

Không công bố doanh thu hợp nhất những năm gần đây nhưng dữ liệu từ Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho biết, năm 2017, doanh thu của riêng DAFC đã đạt hơn 970 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế trong năm này của công ty chỉ đạt chưa tới 14 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu chỉ ở mức 1,41%.

Trước đó, hai năm 2015 và 2016, doanh thu của công ty này cũng đạt hơn 793 tỷ và 853 tỷ đồng.

ACFC, thành viên khác trong lĩnh vực thời trang của IPP Group cũng trong tình trạng tương tự khi tỷ suất lợi nhuận của chuỗi phân phối này chỉ dưới 2% dù doanh thu luôn thuộc nhóm dẫn đầu.

Gia tăng ảnh hưởng lĩnh vực hàng không

Xuất phát trong lĩnh vực hàng không, IPP Group gần đây liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực phụ trợ ngành vận tải này.

Theo đó, trước khi thành lập IPP Group, ông Hạnh Nguyễn từng là Thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors Hoa Kỳ và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương.

Thông qua các công ty con của mình, IPP Group hiện nắm giữ trên 43% vốn của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), và ông Hạnh Nguyễn đang ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT tại đây.

Ước tính, số vốn mà gia đình ông Hạnh Nguyễn sở hữu tại Sasco hiện vào khoảng 1.800 tỷ đồng. Và khoản đầu tư này mỗi năm cũng mang về cho gia đình ông hàng trăm tỷ từ các khoản cổ tức được chia bằng tiền mặt.

Mới nhất, HĐQT Sasco đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức lần một bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Với tỷ lệ này, cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu SAS sẽ nhận được 800 đồng tiền mặt. Thời gian chi trả dự kiến sẽ diễn ra trong quý III năm nay.

Tờ trình cũng cho biết công ty dự kiến dành thêm 199 tỷ để chia cổ tức đợt hai với tỷ lệ 14,9%.

Với tổng sở hữu hơn 60,4 triệu cổ phiếu SAS, ước tính nhóm cổ đông liên quan IPP Group sẽ nhận về hơn 140 tỷ đồng qua 2 đợt chia cổ tức trong năm nay của Sasco.

Hồi tháng 10/2018, nhóm cổ đông IPP Group cũng đã nhận về gần 50 tỷ tiền cổ tức của công ty.

Tập đoàn nhà chồng Hà Tăng là 'ông trùm' lĩnh vực nào? - Ảnh 3
 

Nguyên nhân giúp Sasco thường xuyên có khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông của mình chính là việc hiệu quả từ mảng kinh doanh của hàng miễn thuế của mình.

Cụ thể, nhiều năm gần đây, Sasco đều ghi nhận doanh thu trên 2.000 tỷ đồng và hơn 50% số này là từ các cửa hàng miễn thuế. Doanh thu khổng lồ này mang về hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm cho các cổ đông như IPP Group.

Năm 2018, Sasco ghi nhận 2.659 tỷ doanh thu, tăng 12% và khoản lợi nhuận sau thuế tăng 17%, đạt hơn 341 tỷ đồng. Trong năm nay, Sasco cũng dự tính sẽ thu về 3.024 tỷ đồng doanh thu thuần và 425 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng lần lượt 7% và 4% so với năm 2018.

Để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình tại lĩnh vực này, đã không dưới 2 lần, ông Hạnh Nguyễn đề xuất được cùng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 11.000 tỷ đồng và đơn vị đứng ra đầu tư theo đề xuất này là IPP Group.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ GTVT đã quyết định không giao cho tư nhân làm dự án này và đề xuất Chính phủ giao ACV thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Tin Cùng Chuyên Mục