Tập đoàn Kido (KDC) muốn chia cổ tức đặc biệt 5.000 đồng/cổ phiếu

Giang Phạm

Với hơn 257 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Kido dự kiến sẽ chi 1.285 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức đặc biệt.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) vừa thông qua việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 để thông qua phương án chia cổ tức. Theo đó, công ty muốn chia cổ tức đặc biệt từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty, tỷ lệ 50% (tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 5.000 đồng).

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/11/2022; ngày đăng ký cuối cùng là 23/11/2022.

Với hơn 257 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Kido dự kiến sẽ chi 1.285 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức đặc biệt.

Trước đó, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Kido đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6% (tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 600 đồng) cho năm 2022 vào tháng 8 vừa qua.

Về kết quả kinh doanh, quý III/2022, Kido ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.227 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng hóa tăng 29% lên 2.671 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 555,7 tỷ đồng, tăng 13%. 

Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và doanh nghiệp cùng tăng lên, khiến lãi sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Kido đạt 9.569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ, lần lượt tăng 29% và giảm 24% so với cùng kỳ. Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng. Sau ba quý, Kido đã hoàn thành 68% chỉ tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Kido giảm 547 tỷ đồng so với đầu năm về 13.525 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn là 1.610 tỷ đồng. 

Tổng nợ vay của Kido cuối quý III là 4.015 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, chiếm 30% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 của Kido là 7.010 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 2.797 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục