Nắm giữ trên 65% cổ phần
Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua nhiều vấn đề quan trọng về thay đổi nhân sự và phê chuẩn việc miễn chào mua công khai đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa Investment Vina III Pte. LTd. (SK Vina III).
Dược phẩm Imexpharm mới đây đã công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc cổ đông Dược phẩm Imexpharm thông qua bầu ông Hoàng Đức Hùng làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập CTCP Dược phẩm Imexpharm nhiệm kỳ 2023 – 2027.
Được biết ông Hùng, sinh năm 1973, là Thạc sĩ Tài chính Quốc tế Đại học Oxford Brookes. Hiện ông Hùng đang là Chủ tịch Institute of International Auditors Việt Nam - Phân viện Kiểm toán Nội bộ Quốc tế tại Việt Nam; Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban thường vụ Hội thành viên Độc lập HĐQT Việt Nam (VNIDA), Chủ tịch CTCP Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp CSG Việt Nam, Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Phân tích Di truyền và Thành viên HĐQT độc lập - CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL).
Đồng thời Imexpharm phê chuẩn việc miễn chào mua công khai đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa SK Vina III và các cổ đông hiện hữu của Dược phẩm Imexpharm, dẫn đến việc SK Vina III trở thành nhà đầu tư nắm trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết.
Hiện, tỷ lệ sở hữu cổ phần của SK Vina III là 64,83%. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên chuyển nhượng dự kiến từ 0,2% trở lên. Thời gian thực hiện dự kiến sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và phụ thuộc vào đàm phán giữa các bên cũng như tình thị trường.
Theo quy định, nếu việc mua bán cổ phần dẫn đến việc nắm giữ từ 65% vốn trở lên, SK Vina III phải thực hiện chào mua công khai hoặc không phải chào mua công khai nếu được ĐHĐCĐ chấp thuận miễn chào mua công khai.
Do các thủ tục chào mua công khai phức tạp và kéo dài và số lượng cổ phần chuyển nhượng không đáng kể, trước đó phía SK Vina III đã có công văn đề nghị HĐQT xem xét xin ý kiến ĐHĐCĐ phê duyệt miễn chào mua công khai này dẫn đến việc SK Vina III trở thành nhà đầu tư nắm trên 65% cổ phần của IMP. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên chuyển nhượng dự kiến là 0,2%.
Đáng nói, Dược phẩm Imexpharm cũng đã thống nhất thông qua việc hủy bỏ Phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP dành cho Nhân sự chủ chốt) và chuyển đổi thành Phương án thưởng bằng tiền cho nhân sự chủ chốt đã có đóng góp vào hiệu quả hoạt động của công ty.
Cụ thể, ĐHĐCĐ ngày 28/4/2023 phê chuẩn phương án phát hành hơn 3,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cho cán bộ chủ chốt với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Dược phẩm Imexpharm có những gì?
Kết quả sản xuất kinh doanh quý III/2023, doanh thu của Dược phẩm Imexpharm 467 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu IMP ghi nhận ở mức 1.386 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 286 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng lần lượt là 45% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến cuối ngày 30/9/2023, tổng tài sản của IMP đang ở mức 2.486 tỷ đồng, tăng gần 210 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 2.012 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 474 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn.
Được biết, Dược phẩm Imexpharm chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm tân dược, dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu ngành. Hiện nay, Dược phẩm Imexpharm đang sở hữu 11 dây chuyền sản xuất sản phẩm đáp ứng nguyên tắc EU - GMP với 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU – GMP. Imexpharm còn là đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn Dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis. Chưa dừng lại ở đó, Imexpharm luôn quan tâm cải tiến công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực để mang đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Tính đến hết năm 2022 Imexpharm đã có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm tại Châu Âu.
Vào tháng 11/2023, Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 1041/QĐ-XPHC về việc xử phạt đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Dược phẩm Imexpharm - mã ck: IMP) do có hành vi chưa kê khai nộp thuế theo quy định.
Theo đó, Dược phẩm Imexpharm có địa chỉ trụ sở chính tại số 4 đường 30/4, phường 1, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) để công bố thông tin về việc bị xử phạt, do vi phạm hành chính về thuế.
Nguyên nhân bị phạt, do Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm chưa kê khai nộp thuế theo quy định của Bộ Tài chính, dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân phải nộp là hơn 1 tỷ đồng.
Đồng thời, Dược phẩm Imexpharm bị phạt hơn 207 triệu đồng về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Trong đó, tiền phạt thuế giá trị gia tăng là hơn 138 triệu đồng và thuế thu nhập cá nhân là hơn 69 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Dược phẩm Imexpharm cũng bị phạt hơn 139 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Số tiền chậm nộp thuế được tính đến hết ngày 31/10/2023.
Như vậy, tổng số tiền nộp phạt, truy thu và tiền nộp chậm mà Dược phẩm Imexpharm là gần 1,4 tỷ đồng. Quyết định này được giao cho bà Trần Thị Đào, đại diện cho doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định phải nộp đủ số tiền phạt.
Về SK Investment Vina III Pte Ltd, đây là quỹ thành viên của SK Group đến từ Hàn Quốc. SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ.
SK Investment Vina III đầu tư vào Imexpharm từ cuối tháng 5/2020 sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ công ty từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset.