Ngày pháp luật

Tập đoàn Đại Dương (OGC) lãi sau thuế tăng thêm 26 tỷ đồng sau kiểm toán

Linh Anh

Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2023 của OGC, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng 26 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, từ 18 tỷ đồng vọt lên 44,1 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã ck: OGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã được soát xét với lợi nhuận sau thuế tăng thêm 26 tỷ đồng, tương ứng 144% sau kiểm toán.

Cụ thể, báo cáo tài chính sau soát xét cho biết, doanh thu thuần doanh nghiệp không có thay đổi, đạt 281 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng 26 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, từ 18 tỷ đồng vọt lên 44,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân được OGC cho biết do các công ty con điều chỉnh giảm các khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả khi thực hiện thoái toàn bộ vốn khỏi công ty liên kết trong kỳ, gần 21 tỷ đồng. Đồng thời, OGC cũng điều chỉnh giảm phân bổ lợi thế thương mại trong kỳ khoảng 5,2 tỷ đồng.

Tập đoàn Đại Dương (OGC) lãi sau thuế tăng thêm 26 tỷ đồng sau kiểm toán - Ảnh 1

Với kết quả sau soát xét, lãi sau thuế bán niên của OGC đạt 44,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ trên 58 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 31,6 tỷ đồng so với mức lỗ 33,5 tỷ đồng ghi nhận ở bán niên năm 2022.

Sự chênh lệch này do doanh thu các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, khách sạn và dịch vụ tăng sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong các năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 42 tỷ đồng từ 10 tỷ đồng cùng kỳ, do lãi tiền gửi ngân hàng tăng 13,7 tỷ đồng khi lãi suất tăng và nguồn tiền tích lũy tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính giảm 53% xuống còn 9 tỷ đồng, do các khoản dự phòng đầu tư tài chính trong kỳ được hoàn nhập 0,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty phải trích lập dự phòng khoảng 9,8 tỷ đồng.

Kiểm toán nhấn mạnh, tại ngày 30/06, tài sản ngắn hạn của Công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn là gần 59,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tuy nhiên, OGC giải trình tài sản ngắn hạn thấp chủ yếu là do các khoản dự phòng công nợ khó đòi, các khoản đầu tư từ những năm trước. Các khoản công nợ và tài sản này đã được chuyển ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính của Công ty theo phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông.

OGC cho biết thêm thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phần, cổ phiếu, các dự án bất động sản và Công ty cũng đã tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu bao gồm các khoản đã chuyển theo dõi ngoại bảng.

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 44 tỷ đồng. Các khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn cũng tăng mạnh duy trì lên 600 tỷ đồng. Vì vậy, OGC đánh giá báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OGC đang thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính là số âm, đến ngày 30/06/2023 âm khoảng 2.662 tỷ đồng. 

Công ty cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi là bất động sản, thực hiện việc tái cơ cấu toàn diện các khoản phải thu, tài sản hiện có và đang thực hiện tái khởi động một số dự án bất động sản trong nửa cuối năm 2023. Từ đó tiếp tục tạo ra lợi nhuận theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 đã đề ra và tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo để từng bước giảm dần các khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính của Công ty.

Tin Cùng Chuyên Mục