Theo tờ trình của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài không giới hạn ở loại hình DN nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, góp phần thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động lữ hành.
Khách hàng mới là người quyết định cuối cùng
Theo ông Hà Văn Siêu (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch): Luật Du lịch sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển để phù hợp với xu thế hội nhập, nhưng phải luôn trong khuôn khổ tổng thể chung với luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật Xuất nhập cảnh,…
Không hẳn khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài thì các DN Việt sẽ bị ảnh hưởng.
Mỗi DN đều có thế mạnh riêng và Nhà nước luôn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, bình đẳng để tạo điều kiện cho các DN phát triển. Đó cũng là nguyên tắc khi làm luật.
Luật Du lịch còn phụ thuộc vào nhiều ngành nghề khác nên không thể trả lời đồng ý hay không đồng ý ngay được. Chúng ta sẽ thực hiện từng bước như đưa khách du lịch nước ngoài vào trước.
Chủ trương, quan điểm là ưu tiên nhưng cần từng bước, tránh bị sốc. Nước ta đang theo nền kinh tế thị trường thì cần phải tuân theo nền kinh tế thị trường. Điều gì trái với nền kinh tế thị trường thì cần phải xem xét cho phù hợp.
Khách hàng mới là người quyết định, là đối tượng quan trọng nhất để đánh giá chất lượng dịch vụ tốt hay xấu. Nên muốn cạnh tranh được thì phải tự nâng cao năng lực, giá trị của mình.
Năng lực ở đây chính là nguồn lực mềm, kinh nghiệm, trí tuệ, sáng tạo, tầm nhìn,… để huy động được chính nguồn lực bên trong mỗi DN, mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị chung của toàn cầu, tự mình lớn lên thì mới chơi được ở những sân chơi lớn”, ông Siêu cho hay.
Để làm được điều này thì các DN lữ hành của Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực, chủ động hội nhập, mở rộng mạng lưới liên kết các đối tác, tranh thủ được những nguồn lực từ bên ngoài, kể cả về trí tuệ của các đối tác và đối thủ cạnh trạnh.
Vì quy luật thị trường là những người giỏi, người khỏe sẽ thành công trong mọi cuộc chơi, chiến thắng trong mọi cuộc đua. Các công ty lữ hành cần phải đổi mới, phải thay đổi, làm cho bản thân mạnh lên để từng bước tham gia những sân chơi lành mạnh, minh bạch cho tất cả các đối tượng.
Còn các cơ quan quản lý nhà nước luôn tạo môi trường thuận lợi, công bằng và minh bạch, lành mạnh.
Phải tạo môi trường cạnh tranh, chứ không phải bảo hộ
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) khi bàn về vấn đề này. Theo Luật Đầu tư, một công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài bản chất vẫn là công ty Việt Nam và điều này chỉ càng giúp cho chất lượng dịch vụ du lịch của chúng ta tốt hơn.
Trước đây, Tổng cục Du lịch đã thí điểm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện kinh doanh, kết quả là các công ty này đều đang lọt vào top 10 các công ty lữ hành tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Họ làm dịch vụ rất tốt, kể cả việc đưa khách Việt ra nước ngoài.
Do đó, chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh, chứ không phải bảo hộ cho các công ty lữ hành của Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất là quyền lợi của khách du lịch, nên chúng ta cần phải mở cửa. Đó mới là đối xử bình đẳng giữa các DN.
Vì đây là DN được thành lập theo pháp nhân của Việt Nam, có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nếu làm được như vậy đồng nghĩa với việc bắt buộc các công ty lữ hành phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, để đáp ứng được nhu cầu của khách. Như vậy, du khách càng được hưởng lợi, dịch vụ càng tốt thì ngành du lịch càng phát triển.
Trong khi, điều này chúng ta làm quá chậm. Điều cuối cùng chính là chúng ta phải lo cho quyền lợi của khách du lịch, chất lượng dịch vụ tốt chính là nâng cao năng lực của DN. Đó mới là mục đích mà ngành du lịch hướng tới.
Ngoài ra, sau khi thí điểm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh lữ hành, chúng ta nhận thấy các đơn vị này kinh doanh rất tốt. Việc đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước cũng cao hơn rất nhiều so với các công ty lữ hành nội địa.
Do chất lượng dịch vụ của họ tốt nên giá thành cao, lợi nhuận lớn. Không chỉ vậy, nó đã góp phần thúc đẩy và nâng cao vị thế ngành du lịch nước ta lên những bước cao hơn, để cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Thời kỳ này là thời kỳ mở cửa và hội nhập, chúng ta đang phải cạnh tranh nên không thể yếu mãi được. Ngành du lịch cần phải bung ra, nếu cứ bảo hộ mãi thì ngành du lịch khó nâng cao được chất lượng dịch vụ.
Trong khi, các DN Việt Nam hứa thì nhiều nhưng khi phục vụ lại không được như vậy. Đó là điều yếu kém của lữ hành Việt Nam, không cạnh tranh nổi, giảm chất lượng dịch vụ, càng bảo hộ càng lâu phát triển”, ông Tuấn cho hay.