Duyên số với nhung lụa
Tăng Mai Anh - nhà sáng lập thương hiệu Tăng – Khăn nhung áo lụa người Việt, xuất thân là một sinh viên trường báo chí. Sau khi ra trường và có một thời gian công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, chị chuyển sang kinh doanh riêng trong lĩnh vực thời trang, làm đẹp từ năm 2016.
Nữ doanh nhân nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi kinh doanh các loại phụ kiện cao cấp trên nền tảng FB và IG, cũng mở 1 cửa hàng nho nhỏ, nhưng lúc nào tôi cũng nhen nhóm mơ ước được kinh doanh thời trang. Đến năm 2020, khi tìm ra được niềm yêu thích đặc biệt của mình với các sản phẩm truyền thống, hơn 1 năm rưỡi tìm tòi, học hỏi, kết nối, đi về từng làng nghề dệt lụa và thêu thùa, tôi quyết định chọn ngành ngách là nhung – lụa. Năm 2022, Tăng ra đời từ đó, rất mừng đã được đông đảo mọi người đón nhận và ủng hộ”.
Là một người trẻ, lại chọn phát triển trên chất liệu truyền thống, những tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đối với CEO Mai Anh, đó lại chính là lợi thế.
Chị chia sẻ: “Điều này chắc đến từ sở thích đặc biệt của cá nhân. So với bạn bè đồng trang lứa, tôi có gu thời trang hơi “vượt thời gian” một chút so với các bạn. Ngay từ nhỏ, tôi đã thích những gì liên quan đến truyền thống, những gì đã cũ: Nghe nhạc cũng nghe nhạc xưa, thích tìm hiểu những điều hay về lịch sử, những tác phẩm nghệ thuật cũ… Với tôi, đó là những giá trị tuyệt vời mà cha ông ta đã dành nhiều công sức tìm tòi, sáng tạo. Càng tìm hiểu, tôi càng khâm phục tài năng, sự sáng tạo của cha ông ta, khi mà mọi thứ còn thô sơ và chưa phát triển công nghệ như bây giờ. Với tôi, đó chính là đỉnh cao của óc sáng tạo. Nghệ thuật và tinh hoa đến từ đời sống đơn sơ mộc mạc, đó là giá trị đáng trân trọng”.
Ngay khi tìm được đam mê của mình với nhung lụa, duyên trời đã đưa các quý nhân đến với chị khi có cơ hội trực tiếp làm việc với các nghệ nhân làng nghề để hiểu sâu sắc hơn về lụa tơ. Đó cũng là thời khắc chị quyết định dấn thân vào việc sản xuất các sản phẩm lụa chất lượng. Bởi lẽ, càng hiểu được sự kỳ công vất vả khi tạo ra từng thước lụa, chị càng mong muốn những thước lụa ấy được đến tay người tiêu dùng thông thái và càng mong muốn mọi người hiểu được giá trị của tấm vải họ đang sử dụng… Hơn thế nữa, chị mong muốn góp một phần nhỏ sức mình trong việc duy trì làng nghề truyền thống. Chị luôn trăn trở rằng, khi máy móc phát triển, người ta ưa sử dụng các sản phẩm công nghiệp hơn, đó là lúc đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân ngưng sáng tạo. Điều đó thực sự uổng phí cho hàng ngàn năm duy trì và phát triển của một nghề thủ công đáng quý.
Vốn không phải con nhà nghề về lụa, nên để hiểu từng sợi tơ, chị Mai Anh cần nhiều thời gian hơn để mày mò, tìm hiểu. Vừa là “ngoại đạo” trong nghề, vừa chưa nhiều kinh nghiệm kinh doanh, nên hành trình để có thể nói về sợi tơ say sưa như con tằm rút ruột nhả tơ như bây giờ là chặng đường không dễ dàng. Chị vừa phải học cách để làm ra một sản phẩm tốt, cao cấp, vừa cần sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo so với thị trường, vừa học cách vận hành một doanh nghiệp nhỏ… Với chị đó là những trải nghiệm đầy cam go nhưng hứng khởi vô cùng.
Đồng hành phục dựng làng nghề
Nhắc đến lụa ở miền Bắc là nhắc đến cái nôi làng lụa Hà Đông. May mắn, từ chính làng lụa nghìn năm ấy, CEO Mai Anh đã gặp được một người tri kỷ, cũng yêu lụa như hơi thở và cũng đang trong hành trình lan tỏa nhiều hơn giá trị của tơ lụa tới cộng đồng. Một người giữ vai trò sản xuất, bảo đảm chất lượng, một bên là nhà thiết kế, phân phối thương mại, có sự chuyên chú với lụa tơ. Cứ như thế, cả hai đồng hành tương trợ lẫn nhau.
“Những năm gần đây, tiếng máy se tơ dệt cửi đã vang lại nơi làng lụa Hà Đông. Đó là âm thanh hạnh phúc không chỉ của riêng tôi mà cả với làng lụa. Tôi tin là như vậy” - nữ doanh nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, để làng nghề thực sự phát triển rực rỡ vốn không phải chuyện dễ dàng. Để tăng năng suất và hiệu quả, Tăng đã nỗ lực áp dụng công nghệ nhằm giảm tối đa sức lao động nhưng vẫn giữ được giá trị của sản phẩm.
CEO Mai Anh bộc bạch: “Rất may với là sự phát triển của công nghệ hiện nay, năng suất sẽ tăng lên. Bây giờ, người ta sử dụng công nghệ trong việc tạo ra các khung mẫu dệt đa dạng. Chính vì thế, sức sáng tạo của nhà thiết kế cũng nhiều đất diễn hơn, năng suất vì thế cũng cao hơn. Nhờ có công nghệ, Tăng mới có được những hình thêu độc quyền của thương hiệu, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết hơn.
Tuy nhiên, công nghệ cũng chỉ áp dụng được ở một vài khâu trong quá trình làm lụa thôi. Để tạo ra một tấm lụa, cần đến hơn 50 công đoạn khác nhau. Chính vì thế, lụa vẫn là sản phẩm rất đặc thù, bởi ngay cả khi công nghệ phát triển đến mấy cũng không thể thay thế 100% nếu không có bàn tay con người. Thực chất, giá trị của các sản phẩm truyền thống chính là ở việc nó được làm thủ công. Thủ công là làm bằng tay, bằng kỹ thuật sau nhiều năm rèn luyện nên mất rất nhiều thời gian, công sức. Chính vì vậy, giá thành những sản phẩm thủ công thường cao, bởi người ta cần vài năm, thậm chí vài chục năm rèn luyện để đạt đến nghệ thuật đó”.
Với sự giúp đỡ và cải tiến về máy móc, Tăng cùng những người nghệ nhân đã có thể tiết kiệm được thời gian lên mẫu. Từ đó, Tăng thường xuyên sáng tạo, thiết kế những mẫu hoa văn phù hợp hơn với xu hướng thị trường.
Để có thể tạo dấu ấn mới trên chất liệu đã quá quen thuộc nhưng không phá vỡ giá trị truyền thống, CEO Mai Anh đã phải liên tục cập nhật và học hỏi. Chị nhấn mạnh: “Ngay cả khi bạn đã là chuyên gia trong lĩnh vực rồi, việc học hỏi mỗi ngày vẫn vô cùng quan trọng. Thời trang và các xu hướng thời trang thay đổi liên tục. Bản thân thời trang cũng là nghệ thuật mà đã là nghệ thuật, sức sáng tạo vô biên.
Do vậy, hành trình đắm mình trong việc tìm kiếm cái đẹp vô biên vô hạn là một hành trình nhiều thách thức và hấp dẫn. Tôi và cộng sự luôn giữ cho mình tâm thế học hỏi trên phương diện tìm hiểu sâu cái cũ, nắm bắt nhanh cái mới, để tạo ra những sản phẩm truyền thống nhưng mới mẻ và phù hợp với người tiêu dùng. Nhất là việc thế hệ Gen Z với nhiều sáng tạo sẽ là thế hệ khách hàng tiếp theo sử dụng những sản phẩm truyền thống này, việc đổi mới và gần gũi với thế hệ trẻ là điều tiên quyết mà chúng tôi theo đuổi mỗi ngày”.
Luôn cố gắng để tốt hơn mỗi ngày
Mỗi người đều định nghĩa thành công khác nhau. Có người gia đình ấm êm hạnh phúc là thành công, có người con cái giỏi giang là thành công, có người sự nghiệp thăng hoa là thành công, có người mong cơ thể mạnh khỏe là thành công… Định nghĩa nào cũng đáng được tôn trọng vì mỗi người có một cuộc đời của riêng mình.
Với CEO Mai Anh, thành công gói gọn trong hai chữ “cân bằng”. Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Cân bằng giữa tham vọng ngoài xã hội và bình an sau cánh cửa. Những tưởng đơn giản nhưng dường như đó lại là mong cầu “tham lam” nhất.
“Người ta nói, cuộc sống vốn chưa bao giờ dễ dàng, nếu có dễ dàng, là do có người đang thay bạn gánh vác. Gia đình đã gánh vác giúp tôi rất nhiều, để tôi có thể chuyên chú với đam mê lụa là mà vẫn có cảm giác cân bằng khi về với tổ ấm. Tôi thực sự biết ơn về điều đó” - nữ doanh nhân Mai Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, thành công không tự nhiên mà đến, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ mỗi ngày. Đó cũng là quan niệm sống của chị Mai Anh - “cách bạn làm một việc chính là cách bạn làm mọi việc”. Do vậy, trong công việc dù nhỏ nhất mỗi ngày chị đều cần nhiều sự chỉn chu, kỹ lưỡng để có thể đạt được kết quả tối ưu nhất. Chị quan niệm, làm về thời trang, lại là thời trang thủ công truyền thống, nếu không có sự kỹ càng, tỉ mỉ, khó mà đi đường dài được. Ngay cả trong các mối quan hệ hằng ngày, chị cũng hướng đến tinh thần cầu tiến, bao dung và chia sẻ.
Chị cho biết: “Tất nhiên, nhân vô thập toàn. Không phải lúc nào mọi sự cũng suôn sẻ. Nhưng tôi luôn cho rằng, trước những vấn đề phát sinh, hay những hiểu nhầm, xung đột không đáng có, là do mình chưa thực sự lắng nghe nhau. Tôi có niềm tin vào những cộng sự, đối tác, khách hàng của mình. Có tin nhau thì mới đồng hành cùng nhau được. Do vậy, nếu có vấn đề xảy ra, việc quan trọng là cần ngồi lại trực tiếp với nhau, lắng nghe nhau sâu sắc và thấu hiểu. Khi thấu hiểu rồi, nút thắt sẽ được mở ra.
Tôi quan niệm rằng, chân thành và lắng nghe, biết đặt mình vào vị trí của đối phương sẽ làm sợi dây thấu hiểu thêm bền chặt. Sau mỗi lần đó, mối quan hệ sẽ lại càng thêm khăng khít”.
Chính tính cách trách nhiệm và uy tín đó của CEO Mai Anh là động lực cũng như cốt lõi tạo nên thành công cho thương hiệu. Tăng vốn không sinh ra chỉ với mục đích lợi nhuận, chính đam mê các giá trị truyền thống và mong muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng là sứ mệnh của Tăng. Cụ thể, tạo công ăn việc làm cho những người thợ thủ công, để họ có thể sống thoải mái với tay nghề của mình mà không phải chật vật làm thêm công việc khác. Bên cạnh đó, tạo ra những sản phẩm thủ công Made in Vietnam giá trị cho người tiêu dùng. Và quan trọng nhất, Tăng mong muốn lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp đến với nhiều người hơn, trong nước và quốc tế, nhất là với các bạn trẻ - những người mà CEO Mai Anh tin rằng, sẽ đem các giá trị truyền thống của Việt Nam trở nên đời hơn, gần gũi hơn và lan tỏa đến nhiều quốc gia hơn.
“Tôi tin rằng, đó không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà cũng là mong muốn của rất nhiều chủ doanh nghiệp khác, những người ngày đêm trăn trở tạo ra những sản phẩm Việt Nam giá trị. Và tôi cũng mong muốn rằng, những người có chung chí hướng như vậy sẽ kết nối thành một cộng đồng mạnh, tương trợ lẫn nhau để đưa tơ lụa Việt Nam đứng vị trí quan trọng hơn trên bản đồ tơ lụa thế giới” - chị Mai Anh khẳng định.
“Nước Việt mình 4.000 năm văn hiến, trải qua nhiều triều đại, chúng ta có quá nhiều điều để nhớ về, tìm hiểu và ngấm sâu trong nó. Cha ông ta đã dùng xương máu, mồ hôi công sức suốt 4.000 năm dệt lên những trang sử hào hùng, những kinh nghiệm và giá trị quý báu để đời. Do vậy, quay về nguồn cội cũng là cách để một lần nữa, làm sống lại những giá trị truyền thống tuyệt vời của cha ông ta.
Đối với thời trang, tôi tin là có những vòng lặp. Bạn để ý mà xem, các xu hướng thời trang đều có vòng lặp từ quá khứ đến hiện tại. Và tôi tin, với óc sáng tạo của mỗi người, chúng ta sẽ luôn biết cách làm mới những nét đẹp cũ, thổi hồn vào nó, giúp những giá trị ấy được sống thêm một đời sống thật khác. Đó là cách chúng ta kéo lịch sử gần hơn với hiện tại và kéo gần hơn thế hệ trẻ về với nguồn cội của mình. Theo đuổi các giá trị truyền thống có lẽ sẽ còn nhiều điều để khai thác lắm. Các bạn trẻ nếu có cùng đam mê này, hãy cứ mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu và tạo ra những sản phẩm giá trị đến với cộng đồng nhé. Bởi khi thế giới càng phẳng, càng phát triển công nghệ, đấy là lúc con người lại có xu hướng quay ngược lại với những điều cũ, quay lại với bản ngã, với những giá trị truyền thống xưa cũ. Bởi dù thế giới xoay chuyển thế nào, ai cũng cần chữ an. Tôi tin rằng, khi mình đem lại giá trị cho bản thân, gia đình và cộng đồng, lòng mình sẽ luôn an như thế”