Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương bày tỏ vui mừng khi Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự của đại diện các đơn vị. Điều đó cho thấy nhu cầu của Bộ, ngành Tư pháp đối với hoạt động nghiên cứu khoa học là rất lớn. Đồng chí cho biết, tính từ 18/5/2022 tới nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ có nhiều đột phá, cụ thể Bộ có 01 đề tài khoa học lớn cấp nhà nước "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 - Những vấn đề pháp lý cơ bản"; hoàn thành 11 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, 1 đề tài ngành.
Trong hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, một trong những thành tích đáng ghi nhận là tập thể các nhà khoa học đã phối hợp cùng các đơn vị trong Bộ tham mưu với Lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng tham gia tích cực vào công tác xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong thời gian tới, đồng chí hy vọng các đề tài nghiên cứu sẽ tiếp tục mang tính lan tỏa và đi sâu vào thực tiễn đời sống.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và tham gia thảo luận, chia sẻ về 5 đề tài cấp Bộ gồm: “Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng” của Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa; “Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe; “Hoàn thiện chính sách và pháp luật về “kinh tế ban đêm” ở Việt Nam” của Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Trị sự, Tạp chí, Trường Đại học Luật Hà Nội Trần Vũ Hải; “Phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn từ nay đến 2030” của Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa; “Nghiên cứu xây dựng hồ sơ vụ việc điển hình trong công tác thi hành án dân sự: Lý luận và thực tiễn” của đại diện nhóm thực hiện đề tài Học viện Tư pháp Hoàng Thị Thanh Hoa.