Ngày pháp luật

Tận dụng “mắt thần” để quản lý xã hội

Ngọc Mai

Thời gian qua, hệ thống camera công cộng đã phát huy được hiệu quả khi từ những thước phim camera, nhiều hành vi vi phạm pháp luật được đưa ra ánh sáng. Nếu khai thác tốt, hoàn toàn có thể dựa vào hệ thống “mắt thần” này để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Tìm tội phạm từ bóng tối

Trong hai vụ việc đình đám mới xảy ra gần đây liên quan đến các hành vi quấy rối, dâm ô của ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Nguyễn Hữu Linh, có thể nói, “công đầu” trong việc đưa ra chứng cứ phạm tội sau lời tố của nạn nhân phải kể đến hệ thống camera thang máy.

Nếu không có hệ thống camera thang máy thì khó có những hình ảnh, đoạn phim ghi lại chân thật các hành vi trái pháp luật của những người đàn ông này, thì khó mà có căn cứ để đưa họ ra trước pháp luật.

Tận dụng “mắt thần” để quản lý xã hội - Ảnh 1
Nhờ vào hệ thống camera thang máy, hành vi của ông Linh với cháu bé đã bị phát hiện

Cũng trong thời điểm đó, vụ ấu dâm một bé gái trong hẻm vào buổi tối cũng nhanh chóng được đưa ra ánh sáng, kẻ có hành vi sai trái lập tức được triệu tập đến cơ quan công an là nhờ vào những đoạn trích xuất từ camera trong hẻm này.

Tương tự, rất nhiều vụ việc khác cũng nhờ đến camera mà phát giác hành vi vi phạm hoặc có chứng cứ buộc tội thủ phạm, như trộm cắp, cướp giật, tàng trữ ma túy, hung khí… 

Chính vì thế, trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đã tăng cường trang bị “mắt thần” để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội. Mới đây, Thừa Thiên - Huế đã triển khai thí điểm phạt nguội người có hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường như xả rác thải, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng thông qua hình ảnh trích xuất từ camera bắt đầu từ tháng 5.

Đây là một động thái cho thấy không chỉ riêng các thành phố quy mô lớn, các tỉnh thành trên cả nước cũng bắt đầu tận dụng hệ thống camera công cộng để tăng cường quản lý. Trước đó, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cũng đã tuyên bố phạt nguội người xả rác, tiểu bậy từ trích xuất camera.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng còn cùng các đơn vị liên quan ký kết Quy chế phối hợp trích xuất hình ảnh qua hệ thống camera quan sát phục vụ xử lý hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bán hàng rong, xin ăn biến tướng và các hành vi gây mất ANTT, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố. 

Trong lĩnh vực giao thông, camera cũng có vai trò hết sức quan trong trọng việc xử lý hành vi vi phạm luật giao thông. Từ cuối năm 2018, TP HCM đã gắn thêm 263 camera ghi hình để phạt nguội người vi phạm luật với các trường hợp vi phạm về dừng, đỗ xe trái phép.

Bên cạnh các TP lớn, nhiều tỉnh, thành khác như Gia Lai, Long Xuyên… cũng đã áp dụng việc lắp camera giám sát vi phạm giao thông. Việc đưa vào sử dụng camera có thể giảm tải áp lực về người, đồng thời có thể xử lý một cách chính xác, đúng người đúng tội. Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành công an triển khai đề án lắp đặt camera giám sát; chỉ huy điều hành và xử lý vi phạm giao thông trên cả nước.

Vẫn chưa phát huy hết hiệu quả

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào kết quả, việc triển khai xử lý vi phạm từ trích xuất camera vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thống kê của Phòng CSGT Công an TP.HCM cho thấy, trong thời gian 1 năm từ 2017 - 2018 chỉ có trên dưới 40 ngàn trường hợp vi phạm giao thông bị phạt nguội.

Tương tự, đối với TP Đà Nẵng, từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, qua hệ thống camera giám sát giao thông chỉ phát hiện trên 12 ngàn trường hợp vi phạm. Những con số này là quá nhỏ so với con số vài triệu trường hợp vi phạm luật giao thông được ghi nhận mỗi năm. Và cũng quá khiêm tốn so với số tiền, trang thiết bị đầu tư lắp đặt camera giao thông, camera công cộng của các thành phố.

Không nói đến lĩnh vực giao thông, nhiều lĩnh vực khác cũng vẫn chưa triển khai được việc phạt nguội từ trích xuất camera. Ví dụ như với hành vi tiểu tiện bậy, xả rác bừa bãi, từ tháng 10/2018, TP HCM đã có tuyên bố về việc phạt nguội, xử nghiêm với chứng cứ từ trích xuất camera.

Đây là động thái được các cơ quan quản lý địa bàn quận, huyện hết sức ủng hộ. Thế nhưng, cho đến nay, số lượng người, hành vi bị xử phạt hàng tháng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người vứt rác, tiểu bậy vẫn chưa được xử lý triệt để khiến hành vi này chưa được hạn chế.

Nhìn nhận từ hệ thống quản lý một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Đoàn Loan…, có thể thấy, hệ thống camera đã được sử dụng đúng nghĩa với tên gọi “mắt thần” khi phát huy hết hiệu quả vốn có. Với hệ thống camera dày đặc, kiểm soát hiệu quả, tích hợp với các hệ thống quản lý điện tử, hệ thống thông minh, các quốc gia này đã khiến việc quản lý an ninh xã hội được giảm tải với hiệu quả kiểm soát cao nhất.

Sử dụng camera công cộng quản lý an ninh - xã hội đang là một xu thế cho hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, đầu tư, lắp đặt trang thiết bị đúng với các đề án là một chuyện, nhưng để các đề án ấy có thực sự đem lại kết quả tốt hay không, phần còn lại còn phải trông chờ sự mạnh tay, quyết liệt xử lý từ các cơ quan quản lý.