Ngày 6-9, ban lãnh đạo Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) tổ chức công bố các quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao gồm ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc kiêm người chịu trách nhiệm chính về bảo dưỡng máy bay; ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Tổng giám đốc kiêm người chịu trách nhiệm về khai thác mặt đất; bà La Huệ - kế toán trưởng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cho biết hai phó tổng giám đốc trên đã có hơn 20 năm trong ngành hàng không, có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí lãnh đạo. Đến nay công ty đã bổ nhiệm bảy vị trí chủ chốt cũng như nhân sự cấp dưới.
"Tháng 11 này bộ máy của Vietravel Airlines chính thức vận hành. Hạ tầng đã được chuẩn bị kỹ để đảm bảo có thể bay được ngay" - ông Kỳ cho hay.
Theo ông Kỳ, tiếp viên hàng không và phi công là hai thị trường nóng bỏng nhất hiện nay. Quan điểm của Vietravel Airlines là không lôi kéo, không tạo ra sự cạnh tranh với các hãng hàng không bạn. Tất cả đều là đối tác của nhau, công ty chỉ tuyển dụng những cán bộ trong ngành hàng không sau khi nghỉ hưu hoặc nhân sự nước ngoài.
Về hạ tầng, công ty nhận được sự ủng hộ lớn của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế... đã được cho thuê ngay 7,5 ha đất bên cạnh sân bay Phú Bài để làm hệ thống cơ xưởng, sửa chữa phục vụ mặt đất, bảo trì, bảo dưỡng. Hiện nay, toàn bộ thiết kế đã xong và đang trình cho UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ GTVT, Cục Hàng không. Nếu thuận lợi, tháng 11 này sẽ bắt tay vào xây dựng ngay.
Ông Kỳ còn tiết lộ tháng 6 vừa rồi tại Pháp, công ty đã tiếp cận với các hãng sản xuất máy bay, hãng hàng không lớn như Airbus, Boeing; Air France… ký kết biên bản ghi nhớ thuê, mua máy bay. Cuối năm nay hy vọng quá trình đàm phán sẽ hoàn tất.
Theo ông Kỳ, Vietravel Airlines ra đời dựa trên lợi thế sẵn có, dựa vào thế mạnh của Vietravel, toàn bộ tiềm lực tài chính của Vietravel đầu tư cho Vietravel Airlines.
Về tài chính, vừa qua Vietravel đã chọn phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi để đầu tư cho Vietravel Airlines.
“Trong năm đầu tiên, Vietravel sẽ cấp cho Vietravel Airlines 700 tỉ đồng, phấn đấu giữ vững và sẽ tăng lên 1.300 tỉ đồng vào năm thứ hai với việc mở rộng đường bay, mở rộng hệ thống... Chúng tôi cam kết tiềm lực tài chính của Vietravel Airlines là không có gì phải lo. Cái lo lớn nhất là làm sao đáp ứng được nhu cầu du khách, giữ vững được thị trường charter (thuê bao chuyến bay) cho du lịch Việt Nam” - ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, những tháng đầu năm 2019 có khoảng 19.000-20.000 chuyến bay charter của các hãng hàng không nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2017 có 51.000 chuyến charter thì Vietravel chỉ bay được 300-400 chuyến. Như vậy thị phần bay charter của các DN Việt Nam quá nhỏ, phần lớn lại đang nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.
“Khi bay vào Việt Nam, các hãng này đều vét khách Việt Nam mang ra. Họ bán với giá mà chúng tôi nói thẳng gần như bằng 0, giá rất thấp. Như vậy sẽ đẩy các công ty du lịch Việt Nam vào thế kẹt, kể cả các hãng hàng không Việt Nam nếu không cẩn thận cũng sẽ mất khách du lịch vào tay các hãng bay nước ngoài” - ông Kỳ nói.
Ông Kỳ nhìn nhận Vietravel Airlines có phấn đấu lắm thực hiện được khoảng 3.000-5.000 chuyến charter/năm, không thể với hết được. Nếu Nhà nước có chính sách cho phép không chỉ Vietravel Airlines mà các hãng hàng không khác phục vụ du lịch thì may ra mới cân bằng được với 51.000 chuyến charter của các hãng hàng không nước ngoài.
Định hướng của Vietravel Airlines tập trung phục vụ khách du lịch, bên cạnh đó xem xét tham gia từng phần vào hệ thống vận chuyển khách thông thường. Năm đầu tiên công ty sẽ khai thác ba máy bay, năm thứ hai tăng lên sáu máy bay. Trong năm năm sẽ có đội bay 20-30 máy bay.
Vietravel Airlines dự kiến cất cánh vào tháng 10-2020. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, cùng sự quan tâm của cơ quan nhà nước, hy vọng Vietravel Airlines sẽ cất cánh chuyến đầu tiên vào tháng 4-2020. Cũng trong năm đầu tiên, Vietravel Airlines dự kiến phục vụ 1,8-2 triệu lượt khách đi theo tour tuyến.