Đối với những người đam mê các sản phẩm của Apple, việc chi tiêu cho mỗi dạng thiết bị đều rất tốn kém và đắt đỏ. Một bộ sản phẩm tiêu chuẩn trong hệ sinh thái Apple bao gồm iPhone, iPad, Mac và Airpod có thể tiêu tốn đến hơn 3.500 USD, tương đương với 2 tháng rưỡi tiền thuê nhà bình quân của mỗi người dân Mỹ hoặc lương cả 1 năm của nhiều người lao động Việt.
Theo hãng tin CNBC, giá sản phẩm của Apple chưa bao giờ rẻ và thậm chí một số sản phẩm còn tăng giá mạnh theo thời gian. Ví dụ như iPhone chỉ có mức giá 499 USD vào năm 2007 thì nay đã tăng lên đến 999 USD cho dòng iPhone rẻ nhất.
Rất nhiều chuyên gia nghi ngờ về những lý do mà Apple đưa ra để thuyết phục khách hàng trả nhiều tiền cho sản phẩm của họ. Thậm chí thuật ngữ "The Apple Tax" đã ra đời để chỉ số tiền mà khách hàng chịu trả thêm để mua sản phẩm Apple thay vì các thương hiệu tương đương.
Chính mức giá quá đắt này đã giúp Apple trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới. Đầu năm 2019, Apple tuyên bố nắm đến 245 tỷ USD tiền mặt, qua đó cho thấy lợi nhuận của công ty này. Vậy tại sao các sản phẩm của Apple lại đắt đến như vậy dù nhiều thương hiệu khác có sản phẩm tương đương?
Hết thời?
Đầu tiên, những người sử dụng sản phẩm của Apple đã bị khóa vào hệ sinh thái của họ và cho phép Apple tăng giá sản phẩm nhanh hơn những thương hiệu khác. Sự độc quyền về công nghệ giúp Apple có khả năng làm được điều này.
Doanh số bán iPhone theo đơn vị (Unit Sales) của Apple liên tục tăng qua từng năm và đạt đỉnh 231 triệu đơn vị vào năm 2015, điều này đồng nghĩa số lượng iPhone còn nhiều hơn dân số của rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên kể từ đó, Apple vẫn chưa vượt qua được kỷ lục này dù doanh số tính theo USD vẫn tăng. Nguyên nhân chính là việc Apple tăng giá cho mỗi đơn vị sản phẩm.
Lý do cho việc tăng giá này cũng khá đơn giản. Lợi nhuận của Apple khá bấp bênh khi dòng đời sản phẩm công nghệ lâu dài hơn trước đây, nghĩa là khách hàng không thường xuyên nâng cấp hoặc mua mới sản phẩm thường xuyên như trước. Thế nhưng với danh nghĩa là công ty cổ phần, Apple phải đảm bảo được lợi ích cho cổ đông và để làm được điều này khi doanh số theo đơn vị giảm là tăng giá sản phẩm.
Một nghiên cứu từng cho thấy giá sản xuất iPhone X chỉ đắt hơn 25% so với iPhone 8 trước đó nhưng giá bán lẻ lại đắt gấp 43%. Một nghiên cứu khác cho thấy giá thành sản xuất của iPhone X vào khoảng 357,5 USD nhưng với giá bán lẻ 999 USD, mức lợi nhuận biên của Apple đã lên tới 64%.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến mọi người ngày càng kỳ vọng cao hơn vào các sản phẩm mới của Apple khi trả mức giá ngày một cao. Tuy nhiên nếu so sánh với các dòng thương hiệu tương đương, một chiếc iPhone lại có vẻ khá đắt đỏ. Ví dụ một chiếc iPhone Xs Max có giá khoảng 1.400 USD tại Trung Quốc, cao gấp đôi so với một chiếc Huawei Mate 20 hay Xiaomi Mi Mix 3 dù cùng tính năng.
Bên cạnh đó, hàng loạt những yếu tố như đồng USD tăng giá, rào cản thương mại, kinh tế giảm tốc… đã khiến iPhone rơi xuống vị trí thứ 3 trong số những smartphone bán chạy nhất vào giữa năm 2018 và để hãng Huawei của Trung Quốc vượt mặt. Tệ hơn, mức tăng trưởng thị phần của iPhone năm 2018 chỉ vào khoảng 0,7% trong khi con số này là 40,9% với Huawei.
Cùng trong năm đó, Apple buộc phải thông báo ngừng công bố doanh số theo đơn vị cho iPhone, qua đó gián tiếp thừa nhận sự sụt giảm doanh số trong mắt các nhà đầu tư.
Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng Apple nên có những cải tiến đột phá về sản phẩm thay vì chỉ liên tục nâng giá, tạo hình ảnh sang chảnh cho sản phẩm. Người dùng hiện nay đã bắt đầu mất dần sự hứng thú với các sản phẩm mới của Apple khi không còn thay đổi hay mua mới nhiều như trước đây nữa.
Giải thích của Apple
Trong khi nhiều chuyên gia nhận định Apple mất doanh số và phải dần tăng giá để giữ vị thế công ty thì doanh nghiệp này lại có giải thích khác.
Năm 2018, CEO Tim Cook của Apple cho rằng giá iPhone đắt bởi đây là một trong những sản phẩm kết tinh nhiều trí tuệ nhất của công ty. Một chiếc iPhone ngày nay có thể thay thế cho nhiều sản phẩm khác như máy ảnh, máy nghe nhạc, thu âm….
Để làm ra được sản phẩm tiên tiến như vậy thì không hề rẻ và Apple sẽ không bao giờ đánh đổi chất lượng để hạ giá thành. Nói cách khác, số tiền lớn mà bạn phải trả về lý thuyết là để thanh toán cho Apple nhằm tiếp tục cải tiến sản phẩm tốt hơn trong tương lai.
Trên thực tế, Apple được cho là gây bất ngờ với người tiêu dùng khi tung ra dòng sản phẩm smartphone màn hình chạm với cả iPod lẫn iPhone. Vào năm 2001, chiếc iPod đầu tiên được tung ra với giá 399 USD, một mức giá quá đắt cho sản phẩm nghe nhạc thời kỳ đó và đi theo đúng phương châm đắt tiền đi kèm chất lượng của Apple cho iPhone sau này.
Tại thời điểm đó, Apple tích cực quảng bá tính năng có thể chứa đến 1.000 bài hát, vốn là một cuộc cách mạng về công nghệ nghe nhạc trong thời kỳ băng đĩa CD thịnh hành. Chỉ chưa đến 6 năm sau đó, Apple tuyên bố đã bán được hơn 100 triệu iPod, biến sản phẩm này trở thành máy nghe nhạc bán chạy nhất mọi thời đại.
Năm 2005, Apple cho biết lợi nhuận thường niên của hãng tăng tới 384%, phần lớn là nhờ sản phẩm iPod. Lợi nhuận của hãng tiếp tục tăng mạnh cho đến năm 2012. Chính những người yêu thích iPod này là đối tượng khách hàng bị lôi cuốn vào hệ sinh thái Apple. Sau này họ không chỉ mua những bản nâng cấp mới của iPod mà còn là các sản phẩm khác của Apple như iPhone, Mac hay Apple Watch.
Việc Apple tung ra hàng loạt những cải tiến về công nghệ và gây bất ngờ cho người dùng đã khiến nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền để tham gia chuỗi sinh thái này, kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục được gây ấn tượng bởi các sản phẩm mới.
Tuy nhiên có lẽ lời giải thích của Apple đang ngày càng vô lý khi những dòng sản phẩm mới của hãng tung ra gần đây kém hơn so với kỳ vọng của nhiều người. Chính nguyên nhân này đã khiến ngày càng nhiều khách hàng không còn cảm thấy hứng thú, cần thiết hoặc đáng bỏ số tiền lớn để mua mới sản phẩm Apple, qua đó khiến doanh số theo đơn vị của công ty đi xuống và buộc họ phải tăng giá để giữ lợi nhuận như trên.
Link bài gốc