Không chỉ có Úc, "cơn sốt" giấy vệ sinh còn xuất hiện ở những "điểm nóng" về dịch Covid-19 khác như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, New Zealand, Hong Kong. Thậm chí, một nhóm cướp trang bị vũ khí đã tấn công người giao hàng bên ngoài một siêu thị ở Hong Kong để cướp 600 bịch giấy vệ sinh trị giá 220 USD.
Vậy tại sao giấy vệ sinh cũng trở thành mặt hàng khan hiếm trong thời điểm này? Có phải do tâm lý hoang mang lo sợ của người dân trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, hay đơn giản là những hành vi trục lợi của một số đối tượng? Dưới đây là những lý giải của bốn chuyên gia tâm lý học của Australia về tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh mặc dù mặt hàng này không hề có tác dụng gì liên quan đến Covid-19.
Tiến sĩ Niki Edwards, Trường Y tế Công cộng và Công tác Xã hội, Đại học Công nghệ Queensland:
“Giấy vệ sinh là biểu tượng của sự kiểm soát. Chúng ta sử dụng giấy vệ sinh để dọn dẹp và lau chùi. Nó có liên quan đến một chức năng nhạy cảm của cơ thể. Khi mọi người nghe thông tin về virus corona, việc mất kiểm soát gây ra nỗi ám ảnh đổi với người dân. Và giấy vệ sinh gợi lên như một cách trấn án vô hình. Người dân bỗng dưng không còn quan tâm đến các sản phẩm thay thế khác. Bằng chứng là các loại giấy ăn hay khăn giấy vẫn còn đầy trong siêu thị. Truyền thông cần cung cấp những thông tin hữu ích cũng như cách phòng chống dịch bệnh cho người dân trong thời điểm này, tránh đăng tải những thông tin về hành vi vơ vét giấy vệ sinh hoàn toàn vô lý như thế này."
Brian Cook, Cộng đồng Dự án Giảm thiểu rủi ro thiên tai, Trường Đại học Melbourne:
“Đây thực sự là một câu hỏi thú vị. Theo tôi, đây chỉ đơn giản là phản ứng của người dân đối với sự căng thẳng: họ muốn một yếu tố để cảm thấy thoải mái và an toàn. Giấy vệ sinh là sản phẩm chiếm nhiều diện tích nên mọi người thường không tích trữ nhiều trong hoàn cảnh bình thường. Ngoài ra, rất nhiều người thích dùng giấy vệ sinh theo kiểu khăn lau nên họ cho rằng sẽ cần nhiều giấy khi mắc các bệnh cúm thông thường. Thêm vào đó, việc tích trữ giấy vệ sinh cũng không mất quá nhiều tiền và mọi người muốn nghĩ rằng họ đã làm được một việc cần thiết khi cảm thấy có mối nguy hiểm".
Tiến sĩ David Savage, Trường Đại học Newcastle:
“Tôi lại nghĩ rằng, đó là một sản phẩm hoàn hảo để tích trữ tại thời điểm này. Giấy vệ sinh để được lâu và không dễ bị hỏng theo thời gian, đảm bảo là sẽ sử dụng hết nếu có tích trữ. Thông thường mọi người chỉ mua giấy vệ sinh khi ở nhà sắp hết. Còn giờ đây, họ đang chuẩn bị trước nếu phải bị cách ly trong 2 tuần. Vì vậy, tôi cho rằng, việc tích trữ này chỉ là một quá trình chuẩn bị, không có gì là lạ khi mọi người lo sợ COVID-19 sẽ lan rộng trong thời gian tới”.
Alex Russell, Khoa Y tế và Ứng dụng, Trường Đại học Queensland, Australia:
“Hiện nay, người dân không chỉ dự trữ giấy vệ sinh. Tất cả các mặt hàng thiết yếu để bảo vệ sức khỏe hay nhu yếu phẩm cần thiết như khẩu trang, nước rửa tay khô, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn… đều được bán rất chạy. Người dân chỉ đang mua những thứ cần thiết cho cuộc sống của họ, và một trong những mặt hàng đó là giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ đang chú ý đến mặt hàng giấy vệ sinh hơn những thứ khác bởi giấy vệ sinh thường chiếm nhiều không gian và diện tích trên các kệ ở siêu thị, và rất dễ nhận thấy khoảng trống lớn khi bán hết. Hơn nữa, giấy vệ sinh bán chạy là vì nó thường được sản xuất theo lốc chứ không bán lẻ và vì thế cũng hết nhanh hơn các thứ khác. Lý do thứ hai khiến mọi người chú ý nhiều hơn đó là giấy vệ sinh khó có thể thay thế bằng một sản phẩm khác bởi mục đích sử dụng của nó”.