Ngày pháp luật

Tại sao đa phần siêu thị lỗ, cửa hàng tiện ích càng lỗ mà doanh nghiệp vẫn "đâm đầu" vào thị trường bán lẻ?

Theo Hà Thu/Trí Thức Trẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt và được xem là cuộc đua đốt tiền giữa các doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp đều lỗ nhưng cuộc đua đốt tiền vẫn tăng nhiệt.

Việt Nam nằm trong số những thị trường tiềm năng về bán lẻ. Nielsen gọi nền kinh tế với dân số hơn 90 triệu dân, đa phần trẻ, GDP tăng nhanh là  "viên ngọc ở Đông Nam Á".

Theo BMI, tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong giai đoạn 2012 – 2017. Nền kinh tế này là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương với tăng trưởng sẽ duy trì mức hai con số từ nay đến năm 2022, theo nghiên cứu của PwC.

Dù miếng bánh bán lẻ hấp dẫn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thu được trái ngọt ngay từ đầu. Thị trường đang chứng kiến việc doanh nghiệp đua nhau báo lỗ.

Tại sao đa phần siêu thị lỗ, cửa hàng tiện ích càng lỗ mà doanh nghiệp vẫn

Đơn cử như Lotte Mart với khoản lỗ luỹ kế gần 800 tỷ đồng kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam năm 2008, bằng một nửa vốn chủ sở hữu. Đại diện CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cho biết cuối năm 2017, doanh thu công ty đạt 5.268 tỷ đồng. Nhưng trong 10 năm, doanh nghiệp đã chi gần 9.000 tỷ đồng dành cơ sở hạ tầng, mặt bằng... của 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị cũng như các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo...

Metro Cash & Carry Việt Nam lỗ luỹ kế gần 600 tỷ đồng cho đến thời điểm chuyển nhượng cho tập đoàn Thái Lan năm 2015. Dưới bàn tay người Thái, mảng kinh doanh bán lẻ của 19 trung tâm này đến nay vẫn chưa sinh lãi.

Chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart sau khi hợp tác với Aeon cũng liên tục báo lỗ. Năm 2015, năm đầu tiên hợp tác, Fivimart đã báo lỗ hơn 60 tỷ đồng, đến năm 2016 lỗ 96 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 23 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Fivimart đã về tay Vingroup.

Citimart cho biết lỗ 91 tỷ đồng năm 2015 và 33 tỷ đồng năm 2016. Đến cuối năm 2016, chuỗi này lỗ luỹ kế 157 tỷ đồng.

Thương mại điện tử cũng trong tình trạng đốt tiền không kém. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hoặc chấp nhận bị khai tử như VuiVui.com của Thế Giới Di Động (trước đó là những cái tên như Lingo.vn, Deca, Cucre, Beyeu…) hoặc chấp nhận lỗ.

Ví dụ như Tiki, tính đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng hay như Lazada cũng đang chịu lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng.

"Hệ thống phân phối hiện đại đa phần là lỗ. Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ. Thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỷ đồng", ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nói và cho biết việc lỗ này là bình thường.

Nhưng, dù thua lỗ triền miên, các doanh nghiệp này vẫn liên tục mở rộng hoạt động, đẩy mạnh hoạt động. Nguyên nhân là bởi việc tranh giành thị phần.

Theo ông, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị thì phải đạt số lượng từ 20 – 30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Do đó, thời điểm gia nhập, phát triển thị trường, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp Việt, vốn yếu về tài chính, năng lực quản trị, sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh.

Ông Đoàn cũng thừa nhận cuộc chơi trên thị trường hiện nay khốc liệt một phần là do "các ông lớn dìm xuống để ông bé chết hẳn, dễ thâu tóm", một phần là do lượng doanh nghiệp tham gia quá nhiều.

Ông Nguyễn Quang Dũng - PGĐ CTCP Tư vấn đầu tư Bán lẻ Việt cho biết mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần hiện không còn phát triển ở thị trường trong nước do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Các dự đoán đều cho thấy cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi. Điều này lý giải vì sao, việc đầu tư cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi.

Báo cáo của Nielsen cho biết năm 2018 là năm thay đổi chưa từng có cho kênh thương mại hiện đại.

Theo đó, mặc dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam nhưng kênh hiện đại đã, đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng. Từ năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp bốn lần và siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Theo số liệu Đo lường bán lẻ của Nielsen, doanh thu của mặt hàng tiêu dùng nhanh của kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng lên đến hai con số 11,3% trong quý 2 năm nay, vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng 1,6%.

Báo cáo về Xu hướng mua hàng toàn cầu cho thấy người mua hàng Việt Nam ngày nay đã dần ít đi vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại và cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn.

Tin Cùng Chuyên Mục