Với số liệu từ Forbes, trước Tết Nguyên đán 2019 (ngày 4/2), giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Đến ngày 15/2, Forbes cho biết, tài sản của ông Vượng đã tăng lên tới 7,5 tỷ USD và lần đầu tiên lọt vào top 200 người giàu nhất hành tinh, đứng ở vị trí thứ 198. Như vậy chỉ trong khoảng 10 ngày qua, tài sản ông Vượng đã tăng 1 tỷ USD.
Theo Trí Thức Trẻ, nguyên nhân khiến tài sản ông Vượng tăng mạnh là do giá cổ phiếu của Vingroup liên tục tăng trong những phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi vừa qua. Trước kỳ nghỉ, giá VIC đóng cửa ở mức 98.800 đồng/cổ phiếu thì đến ngày 15/2 đã tăng 13,3% lên 112.000 đồng/cổ phiếu.
VIC tăng giá mạnh góp phần quan trọng kéo chỉ số VN-Index tăng 4,6% trong tuần giao dịch đầu năm mới.
Tháng 3 hàng năm là thời điểm Forbes công bố danh sách chính thức các tỷ phú đô la và ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được xếp vào danh sách này hồi tháng 3/2013, là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, Forbes thống kê tài sản của ông Vượng khoảng 1,5 tỷ USD.
Đến tháng 3/2018, Forbes tính tài sản của ông Vượng đã tăng lên 4,3 tỷ USD. Như vậy, trong gần 1 năm qua, tài sản ông Vượng tăng khoảng 3,2 tỷ USD.
Bước nhảy vọt về tài sản khiến ông Phạm Nhật Vượng càng trở nên vững chắc ở ngôi đầu trong top những người giàu nhất Việt Nam. Cùng với những dự án tầm cỡ như Landmark 81, VinFast,... ông Vượng lại tiếp tục bỏ xa những tỷ phú Việt khác về khối tài sản hiện có.
Phải chăng việc đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu đã giúp ông Phạm Nhật Vượng có được thành công như hôm nay? Trong những lần hiếm hoi xuất hiện trên báo chí, những chia sẻ của ông đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ về tiền bạc.
Với triết lý "Đã lỡ làm người rồi, không thể sống cuộc đời phí hoài được", tỷ phú sinh năm 1968 chưa bao giờ coi tiền là lẽ sống, bởi "không có nhu cầu gì nhiều. Cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ... có rồi". Trên hết, mục tiêu của ông là để lại điều gì đó cho đất nước, dân tộc, đưa cái tên Việt Nam ra biển lớn.
"Nhà đẹp, các công trình đẹp là vật thể, còn các giá trị về tinh thần, sức khỏe là phi vật thể. Làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng Vingroup", ông Vượng cho biết.
Mới đây, trong buổi phỏng vấn đầu năm mới trên báo Tuổi trẻ, khi được hỏi quan điểm về tiền bạc, chủ tịch Phạm Nhật Vượng lại một lần nữa khẳng định: "Tiền là công cụ, phương tiện của mình làm việc. Trong người tôi không bao giờ có đồng nào, khi đi ra ngoài cần tiêu gì đấy lại phải mượn lái xe".
Rõ ràng, đây chính là điểm nổi bật trong tư duy của nhiều tỷ phú trong nước và quốc tế. Ngay từ thời điểm họ khởi nghiệp, rất ít người coi tiền là mục tiêu số một, mà họ muốn mạo hiểm, thử thách để hiện thực hoá những ước mơ, ý tưởng cao đẹp của bản thân. Đây mới chính là động lực để họ kiên trì, bền gan trên con đường khởi nghiệp gian truân.
Và "quả ngọt" luôn đến với những người có đam mê và tâm huyết thực sự. Từ số vốn 100,000 USD vay từ bạn bè, trải qua những ngày tháng kinh doanh tại Ukraine, trở về Việt Nam với khát vọng cháy bỏng muốn cống hiến cho đất nước, giờ đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có trong tay 7,4 tỷ USD.
Quan trọng hơn cả, ông đã thành công trong việc truyền cảm hứng, tinh thần "mãi mãi khởi nghiệp" cho hàng triệu người Việt Nam.