Kết phiên 13 tháng 6, VN-Index giảm 4,09 điểm (0,43%) xuống 950,08 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,06%) xuống 103,5 điểm. Chỉ số Upcom-Index cũng mất 0,15 điểm (0,27%) xuống 54,97 điểm. Thanh khoản mua bán trên toàn thị trường đạt gần 3.800 tỷ đồng.
Khối nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận phiên bán ròng tương đối với giá trị hơn 50 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bị khối này rút tiền đầu tư nhiều đó là VHM (Vinhomes), HPG (Hòa Phát), VNM (Vinamilk), HDB (HDBank) hay DPM (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí).
Xu hướng đi xuống diễn ra trên toàn thị trường, trong đó các nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay đó là hàng không, thủy sản và sản xuất bán lẻ hàng tiêu dùng. Cụ thể, VJC (Vietjet Air) và HVN (Vietnam Airlines) lần lượt mất 1,5% và 2,4%.
Bộ đôi cổ phiếu hàng đầu ngành thủy sản là MPC (Minh Phú) và VHC (Vĩnh Hoàn) cũng giảm lần lượt 3,8% và 1,7%. Các ông lớn bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng như VNM (Vinamilk), MSN (Masan), MWG (Thế giới di động), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận)... đồng loạt giảm khá mạnh.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup chịu áp lực bán khá lớn, tuy nhiên chỉ ghi nhận mức đi ngang và giảm nhẹ, qua đó giúp chỉ số không giảm quá sâu. Cụ thể, VHM đứng giá tại 80.000 đồng/cổ phiếu, khối ngoại bán ròng gần 1,2 triệu đơn vị. VRE (Vincom Retail) giảm 0,7%. VIC (Vingroup) giảm nhẹ 0,4% xuống 115.500 đồng/cổ phiếu.
VIC đang neo giá trên vùng đỉnh kể từ khi niêm yết
Đây vẫn là vùng giá cao nhất của VIC kể từ khi niêm yết đến nay. Mức đỉnh của VIC được thiết lập vào ngày 18/3 tại 121.300 đồng. So với đầu năm, VIC đã tăng được 21,3%, tốt hơn khá nhiều so với mức tăng 6,4% của VN-Index.
Khối tài sản chứng khoán niêm yết của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup, sở hữu 1,865,2 tỷ cổ phiếu VIC) cũng tăng mạnh, hiện đạt khoảng 215.400 tỷ đồng. Forbes cũng đang thống kê tài sản ròng của ông Vượng ở mức 7,7 tỷ USD, tăng thêm 1,1 tỷ USD so với thời điểm đầu tháng 3.