Giá trị của thương hiệu
Trong thời đại công nghệ 4.0, thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh không chỉ phản ánh giá trị cốt lõi mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Khi thương hiệu được định vị rõ ràng và mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng, họ tự động tin tưởng, ít so sánh giá, ít đắn đo khi ra quyết định.
Doanh nghiệp khi đó không cần giảm giá sâu, không cần “hack tâm lý”, không cần chạy theo từng xu hướng truyền thông nhất thời. Thương hiệu chính là người bán hàng thầm lặng, hoạt động không ngừng nghỉ trong tâm trí khách hàng – giúp doanh nghiệp duy trì sự hiện diện, xây dựng niềm tin và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường. Qua đó, góp phần duy trì sự ổn định doanh số, thúc đẩy mở rộng thị phần và phát triển thương hiệu trong dài hạn.
Trên hành trình phát triển, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên mạnh mẽ và đang gặt hái được những thành công đáng tự hào: Doanh thu tăng trưởng đều đặn, quy mô mở rộng, sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực… Tuy nhiên, không ít trong số đó vẫn giữ nguyên bộ nhận diện thương hiệu từ những ngày đầu khởi nghiệp – khi thị trường còn nhỏ, khách hàng còn ít và doanh nghiệp còn ở giai đoạn sơ khai. Logo cũ kỹ, thông điệp mờ nhạt, hình ảnh không đồng nhất – tất cả đang trở thành một “chiếc áo chật”, không còn phù hợp với vóc dáng hiện tại của doanh nghiệp.
Các chuyên gia marketing cho rằng, dù thành công đến mấy thì đến một thời điểm nhất định, thương hiệu của một doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với chiến lược phát triển mới. Và lúc này, doanh nghiệp cần tái định vị thương hiệu để củng cố lòng trung thành và gia tăng độ nhận biết cho những thay đổi này.
Chìa khóa mở rộng cánh cửa thành công
Chia sẻ với DN&PL, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sao Kim Branding cho rằng, tái định vị thương hiệu không đơn thuần là thay đổi logo hay làm mới màu sắc nhận diện. Đó là một quá trình chiến lược có chiều sâu, đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn diện bản sắc, hình ảnh, thông điệp và giá trị cốt lõi của mình. Mục tiêu tối thượng của tái định vị là đảm bảo rằng thương hiệu không chỉ “trông cho đẹp”, mà thực sự phản ánh đúng tầm vóc, định hướng và khát vọng phát triển trong giai đoạn mới.
“Nếu thương hiệu của bạn không còn phản ánh đúng giá trị hiện tại, không theo kịp tốc độ tăng trưởng, hoặc không còn tạo được sự khác biệt rõ ràng trên thị trường, đó chính là lúc cần tái định vị. Tái định vị là dũng cảm rũ bỏ chiếc áo cũ để khoác lên mình hình ảnh xứng đáng với bản sắc thật sự. Tái định vị không dành cho những thương hiệu yếu – mà dành cho những doanh nghiệp đã phát triển đến một ngưỡng mới và cần một “bước chuyển” để bứt phá” – ông Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng chia sẻ thêm, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng triển khai các chiến dịch tái định vị thương hiệu thu hút sự chú ý. Điển hình như Biti’s - doanh nghiệp này đã có một hành trình “trở lại” đầy ấn tượng. Từ một thương hiệu giày dép học sinh truyền thống, Biti’s đã có bước tái định vị đầy ngoạn mục, hướng tới thế hệ trẻ năng động và hiện đại. Chiến dịch “Đi để trở về” kết hợp với hình ảnh những nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP hay Soobin Hoàng Sơn không chỉ mang lại cảm xúc mà còn làm mới hoàn toàn hình ảnh thương hiệu. Logo, thiết kế sản phẩm, chiến lược truyền thông – tất cả được đồng bộ hóa, đưa Biti’s từ vị trí “quen thuộc” trở thành biểu tượng phong cách sống, mở ra thị trường mới đầy tiềm năng trong giới trẻ.
Hay như Viettel, doanh nghiệp đã thực hiện cuộc tái định vị mạnh mẽ, không chỉ thay đổi logo, slogan và màu sắc thương hiệu, mà còn chuyển dịch toàn bộ thông điệp từ “dịch vụ viễn thông” sang “giải pháp công nghệ sáng tạo”. Điều này giúp Viettel không chỉ mở rộng thị trường trong nước mà còn ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như Myanmar, Mozambique, Peru...
Gần đây, chiến dịch tái định vị thương hiệu của Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) cũng đã giúp doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu trong ngành năng lượng. Trong hành trình mở rộng quy mô và tìm kiếm đối tác chiến lược toàn cầu, TTVN Group nhận thấy hình ảnh thương hiệu cũ không còn phản ánh đúng tầm vóc và năng lực hiện tại. Để giải bài toán đó, TTVN đã triển khai tái định vị thương hiệu toàn diện – từ chiến lược định vị, hệ thống nhận diện đến thông điệp truyền thông. Kết quả, trong một thời gian ngắn triển khai chiến dịch, sự thay đổi không chỉ là một diện mạo hiện đại, mà còn là sức bật trong hợp tác quốc tế: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chủ động tiếp cận, các đối tác khu vực bắt đầu thiết lập quan hệ hợp tác mới. Bộ nhận diện đồng bộ giúp TTVN tự tin hơn trong các hoạt động đàm phán, gọi vốn và phát triển dự án quy mô lớn, đánh dấu bước chuyển mình vững chắc trên bản đồ năng lượng khu vực.
Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) với chiến dịch tái định vị thương hiệu đã giúp doanh nghiệp này từ tên tuổi lâu năm đến thương hiệu top đầu ngành xây dựng. Trước đó, CC1 được biết đến là một trong những doanh nghiệp có bề dày lịch sử đáng nể trong ngành xây dựng Việt Nam. Nhưng, CC1 vẫn mang đậm hình ảnh của một thương hiệu “quốc doanh cũ” - nhận diện lỗi thời, truyền thông mờ nhạt và thiếu đi bản sắc rõ ràng. Dù năng lực thi công vượt trội và hệ thống vận hành đã được chuẩn hóa ở tầm cao, thương hiệu CC1 lại chưa truyền tải được quy mô và sức mạnh thực sự ra thị trường.
Để giải quyết “điểm nghẽn thương hiệu”, CC1 đã triển khai một chiến lược tái định vị toàn diện, từ gốc rễ chiến lược đến hình ảnh thể hiện bên ngoài. Thương hiệu được định vị lại là “Tổng thầu xây dựng hàng đầu – Đối tác của các siêu dự án quốc gia”, đồng thời tái xác định giá trị cốt lõi với ba nguyên tắc: Đồng hành – Chính trực – Tiên phong. Hệ thống nhận diện thương hiệu mới – hiện đại, công nghiệp và nhất quán – được áp dụng từ logo, tài liệu truyền thông, website, đến đồng phục công trường và không gian làm việc.
Sau tái định vị, CC1 nhanh chóng nâng cao hình ảnh trên truyền thông, gia tăng niềm tin từ đối tác và nội bộ. Đặc biệt, doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu các dự án lớn như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều tuyến cao tốc trọng điểm. Thương hiệu mạnh đã trở thành đòn bẩy giúp CC1 bước vào sân chơi của những công trình tầm cỡ quốc gia - với tâm thế và hình ảnh xứng tầm.
Những ví dụ điển hình trên cho thấy, tái định vị thương hiệu không phải là lựa chọn xa xỉ, cũng không phải “bài trang điểm” bề ngoài. Đó là hành động chiến lược giúp doanh nghiệp làm mới năng lực cạnh tranh, khơi thông tăng trưởng và nâng tầm vị thế trong mắt khách hàng, đối tác và cả đội ngũ nội bộ.
"Việc tái định vị không chỉ giúp nâng tầm hình ảnh mà còn tạo ra sự dịch chuyển nhận thức toàn diện về một thương hiệu Việt Nam mang tầm vóc toàn cầu."
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Sao Kim Branding