Ngày pháp luật

Tài chính xanh là một xu hướng lâu dài nhưng nhiều doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu

An An

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết đa phần doanh nghiệp hiện không nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh và họ gặp rất nhiều gặp áp lực về nguồn vốn đặc biệt này.

Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 6 về Quản trị công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh", do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đưa ra những ý kiến về tài chính xanh. 

“ESG và tài chính xanh là một xu hướng lâu dài. Đến một thời điểm nào đó, đây sẽ là một yếu tố sống còn và là một yêu cầu bắt buộc”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhấn mạnh tại diễn đàn. 

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết đa phần doanh nghiệp hiện không nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh và họ gặp rất nhiều gặp áp lực về nguồn vốn đặc biệt này.

“Trong gần 2 năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay. 

Các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính xanh đã được các chuyên gia phân tích, chia sẻ tại diễn đàn.
Các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính xanh đã được các chuyên gia phân tích, chia sẻ tại diễn đàn.

Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Theo ông Phạm Như Ánh, danh mục phân loại xanh quốc gia hiện vẫn chưa có khung pháp lý để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn và cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay.

"Chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi”, ông Phạm Như Ánh cho biết thêm.

Vào năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập cao. 5 năm sau đó, Việt Nam hướng đến việc đưa phát thải ròng bằng 0. Đây đều là những mục tiêu rất lớn và đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để thực hiện.

“Để tài trợ cho một tương lai ít cacbon như vậy, ta cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian. Các tiêu chuẩn ESG sẽ là đồng tiền quốc tế để thu hút nguồn vốn đó”, ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam, kêu gọi các doanh nghiệp hành động.

Ở thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi xanh đã có thay đổi so với thời điểm khảo sát. Đây sẽ trở thành vấn đề sống còn chứ không còn là lựa chọn, đặc biệt ở những ngành lĩnh vực mà người tiêu dùng đưa ra những yêu cầu khắt khe.

Châu Âu đã có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cũng đã có dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Sau gần 2 năm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, bà Thuỷ cho biết hiện có thể phân loại các doanh nghiệp thành ba nhóm trong việc ứng xử đối với chuyển đổi xanh. Trong đó, nhóm đầu tiên với tỷ trọng rất ít là các doanh nghiệp đã có chiến lược, mô hình sáng kiến chuyển đổi.

Nhóm thứ hai đã tìm ra một số việc cụ thể để làm cho đỡ… sốt ruột. Tuy nhiên, các hoạt động được triển khai mà không gắn với chiến lược. Còn một nhóm khác, chiếm phần lớn, đang đo lắng nhưng không biết bắt đầu từ đâu cũng như huy động nguồn tiền từ đâu.

Tin Cùng Chuyên Mục