Không ít công ty Việt trước đây kinh doanh ì ạch nhưng sau khi về tay người Thái đột nhiên tăng trưởng mạnh mẽ, có lời trở lại và thương hiệu vươn tầm quốc tế.
Tiền bắt đầu vào như nước
Trải qua hơn 60 năm hoạt động trong ngành nước giải khát, Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương từng là một trong những công ty có thương hiệu khá mạnh tại Việt Nam với các sản phẩm được khẳng định trên thị trường như sá xị, soda, rượu nhẹ có gas. Trong đó, sản phẩm sá xị khẳng định vị thế gần như độc tôn trên thị trường nước giải khát hương sá xị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có thời điểm Chương Dương tuột dốc. Ví dụ, năm 2017 và quý I-2018, Chương Dương liên tục báo lỗ lần lượt là 3 tỉ đồng và hơn 400 triệu đồng.
Đột nhiên đến quý II và III-2018, Chương Dương bắt đầu có lãi trở lại. Đáng chú ý thời điểm lãi cũng chính là lúc bắt đầu có sự xuất hiện người Thái trong ban lãnh đạo Chương Dương. Nói cách khác, sự có mặt của người Thái đã giúp Chương Dương khởi sắc trở lại.
Cụ thể, tỉ phú Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi, người thâu tóm Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - đang sở hữu 62% vốn điều lệ tại Chương Dương - đã cử người của mình là ông Siong Bennett tiếp quản Chương Dương với vai trò chủ tịch HĐQT.
Một cách tương tự, cổ đông lớn là The Nawaplastic Industries, một thành viên thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan, đang nắm vai trò chi phối với 54,39% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Điều này đã đem đến kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh rất khởi sắc. Liên tục trong hai năm gần đây, doanh thu của công ty này đạt trên 3.000 tỉ đồng với hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, ngoạn mục nhất có lẽ là việc sau khi chi gần 5 tỉ USD để thâu tóm Sabeco, người Thái đã tiến hành nhiều thay đổi tại công ty này. Nổi bật là thương hiệu Bia Sài Gòn đã chính thức xuất hiện tại giải ngoại hạng Anh với vai trò nhà tài trợ chính thức trên tay áo đội tuyển Leicester City.
Đặc biệt trong chín tháng đầu năm nay, Sabeco tiếp tục làm ăn hiệu quả với lãi ròng trên 3.300 tỉ đồng, mặc dù đây là thời điểm có nhiều biến động về mặt kinh doanh nhất. Bản thân người Thái cũng bội thu khi được chia hàng ngàn tỉ đồng cổ tức.
Cắt giảm chi phí, thay đổi cấu trúc
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến một số công ty Việt Nam có lãi lớn khi về tay người Thái là do quá trình tái cấu trúc, thay đổi trên mọi phương diện. Chẳng hạn với Chương Dương, lợi nhuận đến từ việc gia tăng tính hiệu quả và cắt giảm những chi phí không cần thiết. Trong đó riêng quý III-2018, các loại chi phí từ giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí quản lý… của công ty này giảm 16,21% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi hiện đang đứng đầu hai công ty gồm Thaibev và F&N chuyên về lĩnh vực thức uống nên đã hậu thuẫn rất tốt về kinh nghiệm thị trường, vốn, công nghệ để phát triển thương hiệu Chương Dương.
Tương tự, tại Nhựa Bình Minh từ khi có sự tham gia của người Thái đã giúp chi phí quản lý của doanh nghiệp này tiết giảm rất nhiều, chỉ tốn gần 14 tỉ đồng trong quý III-2018 so với con số hơn 19 tỉ đồng cùng kỳ. Tổng cộng trong chín tháng đầu năm nay, chi phí này của Nhựa Bình Minh đã tiết giảm được hơn 20 tỉ đồng.
Cót lõi là nhân sự
Nguyên nhân bao trùm dẫn đến thành công là vấn đề sắp xếp, thay đổi, bổ sung… nhân sự. Điển hình là với Chương Dương, người Thái đã có cuộc “thay máu” nhân sự. Mới đây nhất, HĐQT Chương Dương đã công bố quyết định bãi nhiệm chức vụ tổng giám đốc, thay đổi kế toán trưởng, bổ nhiệm giám đốc kinh doanh mới.
Việc thay người tại Chương Dương cũng tương tự cách thức người Thái đang làm tại Sabeco. Đó là đưa người của mình nắm các vị trí chủ chốt trong công ty và hiện đa số thành viên HĐQT của Sabeco là người của tỉ phú Thái.
Theo ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT Sabeco, sự thay đổi về cơ cấu quản trị sẽ giúp Sabeco nâng cao năng lực quản trị và hướng tới một chiến lược tăng trưởng tốt hơn. “Các lãnh đạo người Thái cùng quyết tâm tái cấu trúc để đưa ra các quyết định đầu tư nhanh chóng, giảm chi phí, thúc đẩy năng suất tại Sabeco” - ông Koh Poh Tiong khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc người Thái chiếm các vị trí quan trọng tại Sabeco không quá khó hiểu vì họ nắm giữ số cổ phần chi phối lớn. Họ muốn xây dựng một đội ngũ cùng chung mục tiêu và trên cơ sở hiểu biết nhau trong công việc. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng người Thái sẽ lạm quyền, vì các động thái gần đây không cho thấy điều này, nếu nhìn về việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế.
“Sự thay đổi quan trọng xây dựng ủy ban kiểm toán, một mô hình theo xu thế quản trị hiện đại áp dụng rộng rãi ở Mỹ và Anh, góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng trưởng bền vững cho các công ty. Ủy ban kiểm toán độc lập sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng quyền lực của các giám đốc và bảo vệ các quyền cũng như lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ” - ông Hiếu bình luận.
Cũng theo vị chuyên gia này, đồng vốn của họ nhiều khi cũng vay mượn như Thaibev đã phải vay ngân hàng gần 5 tỉ USD để mua cổ phần Sabeco, nên họ buộc phải nỗ lực đưa doanh nghiệp làm ăn có lãi để trả nợ. Muốn làm ăn có lãi, cạnh tranh tốt sẽ phải tự làm mới mình, đặc biệt là nhân sự.
Bàn đạp tốt để vươn ra biển lớn
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, một công ty có sự xuất hiện khá lớn các cổ đông nước ngoài từng bình luận các nhà đầu tư ngoại bằng nguồn lực, kinh nghiệm thương trường, mối quan hệ kinh doanh là bàn đạp rất tốt để giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kinh doanh ở một tầm cao mới.
“Chẳng hạn tại Vinamilk, nhà đầu tư ngoại là Công ty Jardine, một công ty đa quốc gia đã giới thiệu Vinamilk với nhiều đối tác nước ngoài. Riêng về hệ thống phân phối, Jardine có hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Vinamilk cũng hưởng lợi điều này để đưa sản phẩm của mình vào đây” - bà Liên dẫn chứng.