Câu chuyện quay về những năm 1930, khi hai anh em nhà Dassler đã lập nên một hãng giày thể thao mang tính đột phá từ miền đất cổ tích của Đức - Bavaria.
Công ty này thậm chí mang đến cho vận động viên điền kinh Jesse Owens một đôi giày thật ngầu để tham dự Olympics lần thứ 36. Anh ấy giành được tới 4 huy chương vàng, nhờ đó, chuyện làm ăn của hãng giày cũng tăng trưởng chóng mặt.
Tuy nhiên, thành công bất ngờ về doanh số đã dần phá hỏng mối quan hệ của hai anh em. Thật ra, có nhiều lời đồn bủa vây hơn về chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trong nhà Dassler.
Vốn dĩ, người em Adolf (thường gọi Adi) trầm lặng, ít nói, phụ trách khâu thiết kế và sản xuất giày. Còn người anh Rudolph (còn được gọi Rudi) lớn hơn 2 tuổi, rất nóng nảy nhưng lại “nảy số” nhanh và cực hợp làm kinh doanh.
Lúc hai nhà sáng lập hãng giày chưa "chiến" nhau: Rudi (trái) và Adi (phải) chụp chung với Bộ trưởng Thể thao H. Waitzer năm 1930
Còn có giai thoại kể rằng, người anh đã lén lút vụng trộm với em dâu, bị em trai phát hiện và thâm thù của người nhà Dassler càng thêm sôi sục. Có những lúc cao trào, dường như hai anh em này chỉ tìm cách hạ sát người còn lại. Tuy nhiên, thứ bị “thủ tiêu” đầu tiên chính là startup chung 25 năm của hai nhà đồng sáng lập.
Năm 1949, người em Adolf đã bỏ ra thành lập công ty giày mới là Adidas - đặt tên dựa theo biệt danh Adi của mình. Không muốn kém cạnh, người anh Rudolph cũng khai sinh hãng giày mới, ban đầu lấy tên Ruda nhưng sau đổi thành Puma.
Adi (trái) và người anh Rudi
Trời đã sinh Adidas lại còn sinh Puma, hơn nữa còn cho họ là anh em một nhà, lập công ty chung một làng, cách nhau qua con sông Aurach. Hai anh em đã kiện nhau từ năm này sang năm khác, xoay quanh các mẫu thiết kế giày và bản quyền thương hiệu.
Cả thị trấn Herzogenaurach cũng vậy, mọi người dân đều bị chia rẽ. 23.000 cư dân chia thành 2 team Adidas và Puma, với hệ thống các quán rượu, nhà hàng, quầy bán thịt lợn, nghĩa trang và đội bóng đá khác nhau, đối kháng với nhau. Họ nhìn giày của nhau để mà nói chuyện! Thậm chí, đã có lúc một người ủng hộ Adidas kết hôn với người cổ vũ team Puma bị xem là phản bội lại gia đình và bạn bè của mình.
Mối thù của nhà Dassler đã không hề hàn gắn khi 2 anh em qua đời cách nhau 4 năm (1974 và 1978). Họ được an táng ở hai đầu thị trấn. Mãi đến năm 2009, tức khoảng 40 năm sau khi hai anh em qua đời và 70 năm từ lúc Adidas với Puma được thành lập, người dân thị trấn mới quyết định giảng hòa bằng một trận bóng đá giao hữu.
Thật ra câu chuyện thù hận đã lùi xa hàng năm trời. Cả Adidas và Puma đã là 2 thương hiệu toàn cầu, chiến lược marketing chủ yếu dùng tiếng Anh chứ không phải tiếng Đức nữa, nhà máy xí nghiệp cũng đặt đi nơi khác. Ngay cả những người thừa kế công ty cũng không phải hậu duệ nhà Dassler. Phần lớn cổ phần của Puma do nhà sản xuất hàng xa xỉ từ Pháp là PPR nắm giữ, còn Adidas thì có hàng loạt các cổ đông.
Nói về chỉ số kinh doanh, hầu như Adidas đã thắng, họ có 39.000 nhân viên so với Puma có 9.000, quy mô công ty cũng lớn hơn vượt trội. Tuy nhiên giám đốc truyền thông Ulf Santjer của Puma từng nói: “Nghe này, chúng ta có người nhanh nhất hành tinh kí hợp đồng (ý chỉ Usain Bolt). Chúng ta có đội bóng Italy vô địch thế giới, và Madona cũng mang sản phẩm giày của chúng ta. Puma đã làm rất tốt!”.
Cuối cùng, xin khép lại câu chuyện thâm thù nội chiến này bằng một giai thoại khác. Theo The Guardian, vào năm 1974, khoảng 6 tháng trước khi Rudi qua đời, ông ấy đã hẹn em trai bí mật gặp nhau nửa ngày. Họ giữ chuyện này thật kín kẽ, không hé lộ với những bà vợ và các nhân công vì e ngại sẽ tác động xấu đến kinh doanh.
Bởi xét cho cùng thì việc đấu tranh giữa Adidas và Puma đã cùng đẩy 2 hãng giày cùng lao về phía trước, người tiêu dùng cũng gắn bó mật thiệt với thương hiệu hơn. “Nếu không có mối thù nhà Dassler thì thị trấn của chúng tôi sẽ không thể là nơi khai sinh của 2 thương hiệu đình đám toàn thế giới” - theo một nhà bảo tồn di sản của vùng quê này chia sẻ.