Ngày pháp luật

Statup muốn giáo dục khách hàng để bán "khu vườn thu nhỏ" giá 25 triệu, các shark và cộng đồng phản ứng gắt

Dạ Hành (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Sức hút của Shark Tank Việt Nam đến nay đã lan rộng, khán giả ngồi trước màn hình không chỉ là người xem đơn thuần mà còn có thể là đối tác hay khách hàng tiềm năng của startup. Vậy họ phản ứng ra sao khi nghe mình sắp được “giáo dục” về sản phẩm mới?

Phạm Anh Tuấn - nhà sáng lập dự án Treant Protector vừa xuất hiện trên Shark Tank tập 12 để kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Anh Tuấn giới thiệu Treant Protector là công ty tiên phong trong lĩnh vực vertical farming (nông trại thẳng đứng), sáng tạo các cỗ máy T-Farm để đưa vào nông nghiệp vào không gian nhỏ, tạo thành các "khu vườn trong nhà".

Statup muốn giáo dục khách hàng để bán

 

Được biết, thiết kế “khu vườn” T-Farm có giá khoảng 25 triệu, mô phỏng nhiều kiểu khí hậu để trồng được các loại rau đặc trưng vùng miền, theo mùa khác nhau tùy chỉnh. Người dùng có thể chọn các hạt giống sau đó theo dõi qua app trên điện thoại. Máy T-Farm không dùng đất trồng mà thay bằng phương pháp khí canh, nghĩa là đưa nước và dung dịch dinh dưỡng phun dưới dạng khí để tiết kiệm tài nguyên. Dự án này hiện sở hữu 2 bằng sáng chế tạm thời tại Mỹ.

Ai cũng công nhận ý tưởng này rất mới mẻ, mặc dù tính khả thi ở thị trường Việt Nam đã được các shark và startup phân tích mổ xẻ nhiều. 

Statup muốn giáo dục khách hàng để bán

 

Shark Liên đã nói ngay sau phần thuyết trình: “Cỗ máy của em khá chiếm diện tích trong một căn hộ, để làm cảnh quan trang trí thì cũng không có giá trị nhiều về mặt thẩm mỹ. Dự án không khả thi”. Như vậy, cá mập “bà ngoại” nghi ngờ liệu người tiêu dùng có chấp nhận bỏ ra 25 triệu để đưa một khu vườn thu nhỏ vào nhà mình hay không.

Startup đã phản biện lại, thừa nhận khó khăn trước mắt và đề ra giải pháp là… giáo dục khách hàng! 

“Quan điểm của em là thị trường hiện tại rất khó và em đang trong giai đoạn giáo dục khách hàng. Để họ chấp nhận thứ nhất là có một khu vườn trong nhà. Thứ hai về tâm lý họ đang xem đây là máy trồng rau bình thường, nhưng nhìn sâu hơn một chút sẽ thấy có bao nhiêu mảnh vườn có toàn bộ rau châu Âu hay toàn bộ dược liệu chị mong muốn?” - phía startup bày tỏ.

Statup muốn giáo dục khách hàng để bán

 

Lập luận này đã khiến các shark đồng loạt phản ứng mạnh mẽ. Shark Hưng cho rằng: “Thay vì giáo dục khách hàng thì em nên tự giáo dục mình về cách phục vụ khách hàng”.

Shark Việt cũng đồng quan điểm: "Cái anh thấy khó nhất là giáo dục khách hàng. Để khách hàng giáo dục mình thì tốt hơn chứ mình mà giáo dục khách hàng thì khó lắm. Kể cả các shark đầu tư cho em cũng không phải là ông chủ, chỉ là người đầu tư thôi. Mình không phải ông chủ, ông chủ là người trả tiền mua sản phẩm của mình".

Sau cùng, dự án này không được cá mập nào đầu tư với các lí do riêng, dù thừa nhận có tiềm năng nhất định. 

Cộng đồng mạng cũng “chia team” tranh cãi. Một bên thích thú với ý tưởng mới mẻ, cho rằng có thể dùng để trồng các loại thực vật mang lại giá trị kinh tế cao. Ngược lại, cũng có nhiều người thấy cỗ máy quá đắt hay chưa nhận ra nhu cầu cần có chúng trong căn hộ của mình. 

Có vẻ như nếu muốn giáo dục những khách hàng này, Treant Protector còn phải dụng công rất nhiều nữa. Và chính bản thân cụm từ ấy cũng đang gây xôn xao. Người cho rằng đó chỉ là một cách nói về chuyện thuyết phục khách hàng tin tưởng vào ý tưởng mới, người lại không mấy hài lòng với sự tự tin của startup.

Statup muốn giáo dục khách hàng để bán

 (Nguồn ảnh: Shark Tank, chụp màn hình FB)

Một số bình luận đáng chú ý như:

Bình Thanh: Nếu anh dùng từ educate thị trường có lẽ sẽ ổn hơn và không bị shark phản ứng mạnh. Nhưng dù sao, dự án này rất hay, ủng hộ anh.

Mai Duyên: Máy của anh phù hợp với đối tượng ở các căn hộ chung cư và dân trong thành phố hơn. Phạm vi đối tượng khách hàng khá hẹp, tuy nhiên có lẽ trong tương lai thì sản phẩm này có thể sẽ phổ biến được rộng hơn do đô thị hóa.

Le Manh Hung: Bạn thân còn chưa dám nói hai từ giáo dục nhau nữa là bạn là người bán hàng lại muốn đi giáo dục người đem tiền nuôi mình. 

Henry: Cái này mang tính chất theo sở thích nhiều hơn là hữu ích. Thay vì đầu tư máy trồng rau sạch kiểu như này người ta có thể mua rau ở những nơi cung cấp nguồn rau sạch đã được kiểm chứng cho đỡ mất thời gian. Mô hình này chỉ phù hợp với những nơi nào cần áp dụng để có thể tiết kiệm nguồn nước thôi.

Nguyễn Hoàng Phúc: Các bạn thông cảm, anh startup chắc dân marketing nên dùng từ “giáo dục khách hàng”. Với người ngoại đạo chắc nghe từ đó hơi lạ, nhưng thuật ngữ "educate khách hàng" là hoàn toàn bình thường đó.

Tran Tuan Hieu: Thuật ngữ "educate customer" là hết sức phổ biến, nếu các bạn xem shark tank Mỹ cũng sẽ thấy là được sử dụng rất nhiều. Các bạn đừng nặng nề câu chữ quá.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Giữa giáo dục, thuyết phục khách hàng và tìm kiếm rồi đáp ứng những mong mỏi của họ, đâu là con đường tươi sáng hơn?

Tin Cùng Chuyên Mục