Gọi vốn với mục tiêu phát triển thêm cơ sở đào tạo spa, phục chế đồ da để giúp những người yếu thế có công việc ổn định, cùng tư duy và cách phát triển doanh nghiệp từng bước chắc chắn, Nguyễn Văn Phúc - Founder & CEO của Bệnh viện Đồ Da đã thành công thuyết phục 4 Shark cùng bắt tay đầu tư.
Phúc sinh ra trong một gia đình làm nông, bố là thương binh và mất năm anh 11 tuổi. 4 chị gái của anh đều phải nghỉ học, và bản thân anh đã đi đánh giày để có tiền trang trải học phí. Công việc này giúp Phúc học hết phổ thông và đỗ đại học, nhưng dù đi học hay sau này đi làm, anh vẫn luôn duy trì công việc đánh giày.
Năm 2018, Phúc nhận thấy thị trường chăm sóc đồ da ở Việt Nam thực sự tiềm năng, đồng thời được tiếp xúc với các quy trình ở các nước trên thế giới. Cùng với một người đánh giày khác tên là Chiến, hai người vay được 100 triệu đồng và thành lập Bệnh viện Đồ Da, sau đó đón những người yếu thế và lao động đường phố về làm cùng.
Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bệnh Viện Đồ Da hoàn toàn thuần túy là đào tạo, cung cấp nơi ở và giới thiệu việc làm cho những người yếu thế. Ngoài ra, startup này cũng hỗ trợ nhân viên về vốn và kỹ thuật để các bạn tự làm chủ với điều kiện phải cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế khác.
"Mọi người được học kỹ thuật phục chế đồ da, đồ hiệu, may bọc sofa… Sau hơn 5 năm, doanh nghiệp đã có gần 50 bạn bước ra khỏi vùng tối của bản thân, trong đó có những bạn từng là nạn nhân của tảo hôn, nạn buôn bán người… để có việc làm trong môi trường ổn định, lương hàng tháng từ 9 – 15 triệu đồng", Phúc cho hay.
CEO của Bệnh viện Đồ Da cho biết các nhân viên được đào tạo trong 6-9 tháng để có thể làm thuần thục. Sau khi gắn bó với doanh nghiệp, những người này có thể được hỗ trợ thêm về vốn và kỹ thuật để ra ngoài tự làm chủ. Họ cần cam kết tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế khác để tạo thành một cộng đồng.
Đến với Shark Tank để kêu gọi 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, Phúc dự định dùng số tiền này mở một cơ sở Bệnh viện Đồ Da mới tại TP.HCM, từ đó có thể giúp đỡ được nhiều người yếu thế hơn.
Theo kế hoạch của Phúc, cơ sở tại TP.HCM của Bệnh viện Đồ Da cần số vốn 700 triệu đồng, trong đó 200 m2 để sản xuất – chi phí đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng, cộng thêm mặt bằng cho mọi người ở - cần thêm tầm 15-20 triệu. Máy móc, đồ kỹ thuật sẽ rơi vào khoảng hơn 200 – gần 300 triệu đồng. Phúc dự kiến cơ sở này sẽ hoàn vốn sau 2 năm.