Ngày pháp luật

Startup ở Đông Nam Á đang để lỡ cơ hội 60 tỷ USD từ AI

Kim Dung

Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như một điểm nóng đầu tư cho các công ty AI hàng đầu như Nvidia Corp. và Microsoft Corp - những công ty đang đổ tiền vào dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các công ty công nghệ trẻ của khu vực này lại không tận dụng được sự bùng nổ ấy.

Các công ty lớn nhất thế giới chuẩn bị chi tới 60 tỷ USD trong vài năm tới tại Đông Nam Á trong bối cảnh dân số trẻ của khu vực này thích nghi rất nhanh với các dịch vụ phát trực tuyến video, mua sắm trực tuyến và AI tân tiến. Tuy nhiên, rất ít nguồn vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo của khu vực.

Nhà đầu tư thận trọng khi đặt cược vào các thực thể chưa chứng tỏ được bản thân. Đồng thời, khu vực này cũng vẫn chưa chứng minh được khả năng tạo ra được các công ty tân tiến có khả năng mở rộng đáng kể.

Dữ liệu từ Preqin cho thấy vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty AI trẻ của Đông Nam Á chỉ đạt 1,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Con số này thấp hơn nhiều mức tổng khoảng 20 tỷ USD của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ có 122 thương vụ đầu tư liên quan tới AI diễn ra tại Đông Nam Á trong năm 2024, so với tổng số 1.845 của APAC.

Sự hoài nghi của nhà đầu tư mạo hiểm đối với các nỗ lực xây dựng AI của Đông Nam Á đang đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng của toàn bộ ngành công nghệ khu vực.

Trên toàn cầu, nhà đầu tư đang chạy đua để khai thác cơ hội từ AI, nhưng hiện tại, trọng tâm của họ chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã giành được 68.5 tỷ USD vốn tài trợ cho AI trong năm 2024, trong khi Trung Quốc giành được khoảng 11 tỷ USD, dữ liệu của Preqin cho thấy.

Trong khi đó, Đông Nam Á có hơn 2.000 công ty khởi nghiệp AI, nhiều hơn Hàn Quốc và gần bằng Nhật Bản và Đức, theo báo cáo của công ty tư vấn công nghệ Access Partnership. Trong đó, Singapore, trung tâm kinh doanh lớn của khu vực, đứng thứ ba trong Chỉ số AI toàn cầu.

Nhưng với các quốc gia như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, sự đa dạng về văn hóa và kinh tế khiến nỗ lực mở rộng nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ trở nên khó khăn. Điều đó đã dẫn đến một câu hỏi: liệu các công ty công nghệ trong nước có thể cạnh tranh có lãi trên trường quốc tế hay không?

Jussi Salovaara, đối tác quản lý và đồng sáng lập của VC Antler, cho biết: “Sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và cơ sở hạ tầng của khu vực này khiến việc tạo ra các tập dữ liệu lớn, thống nhất trở nên khó khăn hơn, điều mà các giải pháp AI thường dựa vào để mở rộng quy mô”.

Trong khi đó, toàn bộ ngành đầu tư mạo hiểm của khu vực này cũng đang phải chịu cảnh thiếu hụt các khoản đầu tư do thị trường IPO yếu kém. Nghiên cứu từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co. cho thấy nguồn tài trợ tư nhân cho các công ty ở Đông Nam Á sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử sau khi đạt mức cao nhất hồi đại dịch COVID-19. Nguyên nhân là nhà đầu tư trở nên kén chọn hơn và vốn trở nên đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua tiềm năng của Đông Nam Á. Trong khi ngành công nghiệp AI của khu vực này đang chững lại, nền kinh tế kỹ thuật số nói chung lại đang tăng trưởng ở mức hai chữ số về cả doanh thu và lợi nhuận, theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain. Nơi đây có tầng lớp trung lưu đang phát triển với thu nhập tăng và cơ sở người dùng di động và internet liên tục tăng trưởng. Khu vực này cũng được coi là không bị ảnh hưởng bởi các rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ căng thẳng Mỹ-Trung.

Tin Cùng Chuyên Mục