Melissa Carbone là đồng sáng lập kiêm cựu CEO của công ty tổ hợp giải trí Ten Thirty One. Khi nhắc đến hai chữ “kinh dị”, cô ấy không muốn khách hàng nhớ tới những ngày mệt mỏi ở nơi làm việc hay là đống bát đĩa chưa rửa… Thay vào đó, Melissa muốn khách hàng nghĩ về: “Điều thú vị và sởn gai ốc nào sẽ diễn ra ở khúc ngoặt sắp tới?”.
Sáng tạo nên các khu nhà ma mang tính giải trí cao từ… hàng đêm thức trắng xem phim kinh dị
Melissa và người yêu cũ Alyson Richards từ năm 2007 đã lập nên những khu giải trí ngắn ngày, đóng đô ở Los Angeles, chuyên sản xuất các chương trình thám hiểm nhà ma (Haunted Hayride) hay các sự kiện mang không khí ma quái rùng rợn. Hai co-founder muốn thu hút những cư dân thành phố bước ra khỏi căn hộ, đến không gian ngoài trời và tham gia những bữa tiệc kinh dị, đầy tiếng thét hãi hùng.
Ý tưởng nói trên bắt nguồn từ những bữa tiệc sân vườn cách đây hơn 12 năm, khi Melissa và Alyson đã hù dọa thành công hơn 100 đứa trẻ nhân dịp Halloween bằng cách hóa trang thành người sói, trong khi các bậc phụ huynh thì lười biếng nhấp môi “rượu phù thủy” (thực ra là champagne thôi).
Hai nhà sáng lập vô cùng yêu thích những bữa tiệc hóa trang như vậy, và họ muốn xây dựng một điều gì lớn hơn trong thị trường Halloween ở Mỹ, ước tính trị giá 5 tỷ USD vào năm 2007 và tăng lên tới 9,1 tỷ USD năm 2018.
Để nghĩ ra ý tưởng, hai co-founder đã... xem đi xem lại những bộ phim kinh dị. Kế đó, họ tổ chức các sự kiện bài bản hơn, đăng ký thương hiệu và lập nên công ty Ten Thirty One Productions vào năm 2009. Bên cạnh dịch vụ chính Haunted Hayride, công ty còn tổ chức các sự kiện khác như Ghost Ship (đưa khách hàng lên “tàu ma” và có trải nghiệm rùng rợn trong một buổi chiều lênh đênh).
Các sự kiện ngoài trời do Ten Thirty One tổ chức bán vé
Việc kinh doanh nhìn chung là rất khả quan, nhưng Melissa và Alyson còn muốn phát triển mô hình ra cả nước, nhắm tới lượng khách hàng khoảng 100.000 người. Tuy nhiên, chi phí hoạt động ở Los Angeles đã lên tới 365.000 USD. Số tiền này là vét sạch dành dụm cá nhân, cộng thêm vay mượn bạn bè và người thân. Đến năm 2012, công ty thu về doanh thu 1,8 triệu USD, bán sạch vé mùa Halloween nhưng vẫn chưa đủ để phát triển rộng ra, nguyên nhân do khâu tổ chức rất tốn kém. Hết đường xoay sở, hai nhà sáng lập quyết định gõ cửa Shark Tank.
Cuối cùng, Ten Thirty One tạo ra cú nổ lớn trong tập phát sóng vào tháng 10/2013. Họ được shark Mark Cuban cam kết rót tới 2 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần - trở thành deal lớn nhất ở thời điểm đó. Thêm nữa, startup này còn nhận khoản đầu tư bí mật từ Live Nation trong cùng năm.
Ten Thirty One gọi vốn được 2 triệu USD trên Shark Tank, cũng là thương vụ sinh lời bậc nhất cho shark Mark Cuban
Bước ra từ Shark Tank, Ten Thirty One đã mở thêm được một khu Haunted Hayride ở New York cũng như phát triển nhiều chương trình trải nghiệm thực tế như Great Horror Campout (Cắm trại siêu rùng rợn) hay Great Horror Movie Night (Đêm chiếu phim hãi hùng). Thông tin từ Shark Tank cho biết, startup này đã thu về doanh số 2 triệu USD năm 2014, ngay sau khi được Mark Cuban thực rót vốn. Đây cũng là một deal sinh lời nhất cho “cá mập” Cuban.
Làm nghề sự kiện, “tai bay vạ gió” là không tránh khỏi
Tháng 5/2019, startup đã dựng được một rạp Haunted Hayride ở Đảo Randall’s, nằm giữa khu sầm uất Mahhattan và Queens của New York. Ước tính, doanh thu là khu vui chơi này rất cao, thậm chí gấp 3 lần khu ở Los Angeles.
Một mô hình vui chơi, trải nghiệm thực tế giống như "nhà ma"
Tuy nhiên điều ngoài dự tính là những mưa to gió lớn đã trút xuống thành phố lớn nhất bờ Đông nước Mỹ, tàn phá các rạp của Haunted Hayride và buộc họ phải đóng cửa suốt nhiều đêm liên tiếp, mất đi doanh thu. Về sau, công ty phát hiện đặt rạp giải trí ở Đảo Randall’s là không khôn ngoan, bởi vị trí liền kề trung tâm nhưng vẫn khá vất vả cho du khách ghé thăm. Hậu quả là doanh thu năm 2015 không đạt được mức kì vọng 5 triệu USD.
“Đây là một ngành rất khó để phát triển rộng ra với một đội ngũ nhân sự mỏng” - CEO Melissa chia sẻ. Thời điểm ấy (2015), Ten Thirty One có 500 nhân viên, tăng lên so với 300 nhân viên cũ của năm trước đó, nhưng team lãnh đạo chỉ có 6 người. “Dù sao, chúng tôi đã có những bài học xương máu về việc gói ghém rạp dựng một cách lưu động, nhanh gọn và dễ vận chuyển hơn” - team Ten Thirty One cho biết.
Các rạp phức tạp như thế này cần rất nhiều vốn và thời gian để dựng nên
Thế nhưng vào đầu năm 2018, họ lại vướng vào một bê bối kiện cáo khác. Đó là khách hàng Shannon Morris kiện khu giải trí ở Đảo Randall’s đã làm máy tạo sương rơi trúng đầu mình. Vụ kiện gây hao tổn tiền của cũng như danh tiếng một cách rất đáng tiếc.
Hai nhà sáng lập đã bán công ty nhưng vẫn ở lại đóng góp công sức
Tháng 10/2018, công ty tổ chức sự kiện Thirteenth Floor Entertainment đã mua lại startup triệu đô Ten Thirty One. Tại thời điểm đó, startup này đã đăng ký bản quyền 6 thương hiệu khác nhau.
Ten Thirty One đã bán lại cho công ty tổ chức sự kiện - giải trí Thirteenth Floor
Sau khi bán công ty, nhà nhà sáng lập vẫn ở lại phát triển vì “muốn tạo ra thêm nhiều ý tưởng rùng rợn”. Melissa và Alyson muốn mọi thứ phải được sắp xếp thật chính xác. Mỗi chương trình “nhà ma” của họ thuê tới 200 diễn viên hóa trang - không chỉ để hù dọa khách hàng đơn thuần mà phải tạo ra tính cách thú vị được mọi người nhớ tới. Đổi lại, chi phí trang phục và make up không hề nhỏ, lên tới 1,7 triệu USD cho mỗi sự kiện (với mỗi chiếc mặt nạ bạc đã tốn hết 250.000 USD!).
Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn cho du khách và các talent (diễn viên tham gia hóa trang) phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các “nhà ma” của Ten Thirty One quy định rằng, nếu du khách không muốn tiếp xúc với một nhân vật rùng rợn nào đó thì phải hét lên: “I want my mommy” (Cứu con với mẹ ơi). Ngược lại, phía các diễn viên cũng phải thuộc nằm lòng các ám hiệu riêng để dừng lại đúng lúc, tránh hù dọa quá mức dẫn đến sự cố đáng tiếc.