Ngày pháp luật

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp 'đắt nhất Tiktok', doanh thu 1 triệu USD/tháng, Shark chốt deal 25 tỷ đồng nhưng vẫn lo bị 'bùng kèo'

Giang Phạm

Shark Bình nhận định những con số Huho đưa ra khiến ông "sững sờ, ngơ ngác, bật ngửa vì số liệu kinh doanh quá tốt", đồng thời thắc mắc về động cơ lên gọi vốn của startup.

Shark Tank Việt Nam tập 16 chào đón thương hiệu thịt gác bếp “nổi đình đám” trên TikTok là Huho với đại diện là Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Hoàng Chung Học cùng đồng sáng lập Ngọc Huyền. 

Theo nhà sáng lập Hoàng Chung Học - Huho là công ty chuyên sản xuất, phân phối đặc sản vùng miền như thịt trâu, thịt lợn sấy khô và các đặc sản Tây Bắc khác. Xác định tập trung xây dựng thương hiệu qua truyền thông, marketing (tiếp thị) chứ không cạnh tranh về giá, các sản phẩm của Huho được định vị “bán giá đắt nhất thị trường”. 

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp 'đắt nhất Tiktok', doanh thu 1 triệu USD/tháng, Shark chốt deal 25 tỷ đồng nhưng vẫn lo bị 'bùng kèo' - Ảnh 1

Huho chính thức bán hàng từ tháng 5/2022 thông qua livestream (phát trực tuyến) trên TikTok và các sàn thương mại điện tử. Sau 5 tháng, doanh số của Huho tăng trưởng gấp 10 lần, đạt 15 tỷ. Tháng cao điểm nhất năm 2022 đạt doanh số 1 triệu USD. Đến hết tháng 10/2023, Huho đã đạt doanh số 70 tỷ và ước tính hết năm 2023 sẽ thu về 150 tỷ.

Dự kiến năm 2024, thương hiệu này sẽ tăng trưởng 53%, đạt doanh số 230 tỷ. Từ năm 2024 đến năm 2028, mức tăng trưởng mỗi năm sẽ là 30% và sẽ đạt doanh thu 657 tỷ vào năm 2028.

Shark Bình nhận định những con số Huho đưa ra khiến ông "sững sờ, ngơ ngác, bật ngửa vì số liệu kinh doanh quá tốt".

"Phương Tây có câu 'Too good to be true'. Kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận đều như vắt tranh, vậy động cơ các bạn lên đây gọi vốn là gì?", Chủ tịch NextTech chất vấn.

Ông cũng nói thẳng về "bí kíp bùng kèo", biến Shark thành "Shark gác bếp" của các startup từng lên Shark Tank.

“Sau khi nhận deal thì giả vờ rất phối hợp hợp tác nhưng khi các Shark yêu cầu gửi số liệu thì hoãn binh bằng rất nhiều phương pháp, chậm gửi số liệu hoặc gửi nhỏ giọt cho đến lúc nào chương trình phát sóng. Phát sóng xong các bạn sẽ lấy lý do rằng ôi đơn hàng của em tăng vọt nhiều quá, em chưa có thời gian để phối hợp thẩm định với các Shark. Mất một tháng gì đó, sau đó bắt đầu đưa ra rất nhiều lý do abcdefgh gì đó để làm cho các Shark nản và các Shark tự bỏ cuộc.

Vậy là các startup đó tận hưởng trọn vẹn hiệu ứng tăng trưởng từ chương trình Shark Tank xong sau đó thì các Shark rơi vào trạng thái ớ ờ. Đấy là cái lo ngại lớn nhất của tôi là vấn đề uy tín của các startup”, Shark Bình nêu vấn đề.

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp 'đắt nhất Tiktok', doanh thu 1 triệu USD/tháng, Shark chốt deal 25 tỷ đồng nhưng vẫn lo bị 'bùng kèo' - Ảnh 2

Founder Chung Học cho biết mức kêu gọi đầu tư 12 tỷ đổi lấy 8% cổ phần là định giá thấp và phù hợp, thể hiện mong muốn có các Shark cùng đồng hành với startup. Anh cũng thú nhận mình có kinh nghiệm 6 năm bán hàng thương mại điện tử nhưng hầu như chưa có kinh nghiệm bán trực tiếp. Trong khi đó, kế hoạch phát triển từ năm 2024 của Huho là sẽ đi vào hệ thống phân phối.

Đánh giá sản phẩm của Huho thú vị nhưng chưa thấy được khả năng tồn tại bền vững trên thị trường nên Shark Minh Beta đã từ chối đầu tư.

Không phù hợp chuyên môn và chiến lược đầu tư nên Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh cũng quyết định rời khỏi thương vụ.

Còn lại Shark Hưng và Shark Bình là hai nhà đầu tư có hứng thú với mô hình kinh doanh của Huho.

Sau khi Shark Hưng đề nghị đầu tư 12 tỷ đổi lấy 18% cổ phần, Shark Bình đưa ra phương án khác là cả 2 Shark cùng đầu tư với số tiền 20 tỷ đổi lấy 30% cổ phần.

Dành thời gian hội ý, Chung Học đề nghị hai Shark đầu tư 25 tỷ cho 20% cổ phần.

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp 'đắt nhất Tiktok', doanh thu 1 triệu USD/tháng, Shark chốt deal 25 tỷ đồng nhưng vẫn lo bị 'bùng kèo' - Ảnh 3

Một lần nữa thử thách sự nghiêm túc khi đến Shark Tank gọi vốn của startup, Shark Bình nêu vấn đề "Nếu mà số liệu của các bạn đúng như các bạn đã chia sẻ trên sóng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư. Nếu sau này deal không thành chắc chắn chỉ rơi vào 2 khả năng, thứ nhất những gì bạn cung cấp là không đúng, khả năng thứ hai là các bạn cố tình bùng deal".

Về phía Shark Hưng, ông cũng đưa ra thử thách "tiến hành duedil (due diligence – thẩm định doanh nghiệp) và ký hợp đồng trước khi phát sóng, nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng các bạn".

Chung Học và Ngọc Huyền đồng ý không một chút do dự, khép lại màn gọi vốn thành công từ Shark Bình và Shark Hưng với con số 25 tỷ cho 20% cổ phần.

Tin Cùng Chuyên Mục