Hoàng Anh Đà Lạt là công ty sáng tạo, phát triển và quản lý các linh vật. Trong vòng gần một năm, công ty đã sáng tạo ra gần 100 hình ảnh cô bé Hana mascot, tập trung vào các phiên bản sản vật vùng miền và nông nghiệp nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh cô bé Hana được Hoàng Anh Đà Lạt ứng dụng vào sản xuất 5 nhóm sản phẩm gồm: đồ lưu niệm, quà lưu niệm dành cho du lịch; đồ chơi sáng tạo cho trẻ; sách, truyện tranh; phim hoạt hình; những trò chơi mang tính giáo dục và giải trí.
Hiện tại Hana mascot đã lên kệ tại các điểm du lịch phát triển như Hội An, Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Lạt. Doanh thu từ tháng 6 đến hết tháng 11 năm 2023 đạt 1,2 tỷ.
Doanh thu dự kiến trong năm 2024 đạt từ 10 - 20 tỷ đồng và năm 2025 có thể đột phá đến 50 tỷ bởi lúc này công ty đã ứng dụng công nghệ AI để phát triển nhóm sản phẩm sách, truyện tranh và game giải trí.
Nữ sáng lập cũng tiết lộ, công ty cô hiện đang nghiên cứu để đưa AI vào livestream (phát sóng trực tiếp) 24/7. Về hiệu quả kinh doanh, cô cho biết với một bộ sách có giá hơn 500.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận có thể đạt được từ 15 – 20%.
Nhận định nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới, đơn cử như Disney đã thành công trong việc dùng hình ảnh nhân vật để khai thác giá trị thương mại, Shark Minh Beta tìm hiểu về cơ sở niềm tin rằng sản phẩm của startup sẽ có người mua.
Đáp lại, Hoàng Anh cho biết nội dung là thế mạnh bởi cô có rất nhiều dữ liệu về nông sản Việt còn hình ảnh thì được sáng tạo bởi một công ty hàng đầu Hàn Quốc về thiết kế linh vật. Ngoài ra, bản thân Hoàng Anh cũng đã có gần 20 năm học và làm trong ngành du lịch nên với kinh nghiệm cùng mối quan hệ sẵn có, công ty của cô có thể đẩy mạnh nhóm sản phẩm thuộc phân khúc du lịch.
Hoàng Anh khẳng định mình là một lean startup (công ty khởi nghiệp tinh gọn) bởi quá trình bán hàng của cô bắt đầu từ việc giới thiệu bản vẽ, khi có khách đặt hàng thì mới sản xuất ra sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, tuy đã có doanh thu nhưng Hoàng Anh Đà Lạt vẫn chưa có lợi nhuận bởi phải khấu trừ đi các chi phí đầu tư ban đầu như phí thiết kế, R&D (nghiên cứu và phát triển) sản phẩm, công nghệ AI…
Khác quan điểm, Shark Minh Beta cho rằng lean startup cần tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm để khai thác dữ kiện thị trường trước khi mở rộng phát triển bởi “khá rủi ro khi dữ kiện chưa đủ mà lại triển khai ồ ạt”. Đó cùng là lý do khiến Chủ tịch Beta Group từ chối đầu tư.
Shark Hưng cũng rời bỏ thương vụ bởi cho rằng startup cần đầu tư vào sản phẩm trước tiên thay vì phát triển hệ thống.
Về phía Shark Bình, vì không am hiểu lĩnh vực hoạt động của startup nên ông không đầu tư.
Shark Hùng Anh đánh giá mức tỷ suất lợi nhuận của startup đưa ra là ‘vô cùng thấp’ và cảnh báo nguy cơ bị cạnh tranh bởi ‘giờ AI nó vẽ hết trơn, nó vẽ rất nhanh’. Ông là người tiếp theo rời khỏi thương vụ.
Shark Tuệ Lâm cho rằng, việc xây dựng một linh vật cần rất nhiều thời gian, thậm chí hàng chục năm. Cô khuyên startup tập trung vào việc xây dựng một câu chuyện đủ tốt, đủ hay, sau khi có nhiều người quan tâm mới mở rộng dải sản phẩm và từ chối đầu tư.
Thương vụ kết thúc và Hoàng Anh Đà Lạt đã không có được “cái bắt tay” nào với Shark.