Từ sản phẩm không biết bán cho ai …
Phạm Nam Long – CEO Abivin là cựu học sinh chuyên toán Trường Chuyên Sư phạm Hà Nội. Anh từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế trong môn toán, tin học và vật lý. Năm 2011, Nam Long tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Khoa học máy tính, sau đó lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Bristol ngành Máy học. Trước khi về Việt Nam, anh từng có 4 tháng làm việc tại trụ sở của Google ở Mountain View (Mỹ).
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Anh tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế tại Đại học Đông Nam Phần Lan. Cô có kinh nghiệm làm việc ở một công ty Third Party Logistic (3PL - Dịch vụ cung ứng trọn gói) và công ty về phần mềm Sixth Gear Studios (nay là Gear Inc). Hiện Hoàng Anh đảm nhiệm vị trí COO (giám đốc vận hành) của Abivin.
Abivin đã đạt được một vài giải thưởng rất đáng nể như vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới, trở thành quán quân của Cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại Mỹ và giành 1 triệu USD tiền đầu tư; giải “Startup về Logistics và Chuỗi cung ứng tốt nhất” tại Giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á - Asean Rice Bowl Startup Award.
Trước đó, công ty này là quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018. Không dừng lại ở đó, hai nhà sáng lập Abivin vẫn ôm hoài bão xây dựng “con tàu” Abivin không ngừng lớn mạnh...
Chia sẻ về câu chuyện của mình, anh Nam Long cho biết, sau khi về nước, anh khởi nghiệp vào cuối năm 2014 nhưng đến tháng 5/2015 mới chính thức đăng ký kinh doanh với tên gọi Công ty CP Abivin Việt Nam.
Lúc đó, định hướng ban đầu của Abivin là các sản phẩm trong lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Tuy nhiên nhu cầu sử dụng hạn chế, không thể tìm được đối tác sử dụng sản phẩm, nhiều thành viên cũng nhụt chí và dần ra đi.
“Các sản phẩm về dữ liệu lớn ban đầu “ế khách” do hệ thống cơ sở dữ liệu của nhiều tổ chức (Nhà nước, địa phương) chưa được thu thập chính xác, thiếu tin cậy. Các công ty, tổ chức vì thế sinh ra e ngại nên không muốn sử dụng sản phẩm của chúng tôi”– Nam Long kể.
Để thu hút các nhà đầu tư lúc đó, anh thực sự cần một người có chung tầm nhìn dài hạn để đi cùng nhau và lấy được sự tin tưởng từ nhà đầu tư. Đúng lúc đó, anh đã gặp Hoàng Anh trong một sự kiện về startup. Đây có thể xem là thời điểm bén duyên và sau này 2 người trở thành vợ chồng- hai đồng sáng lập Abivin. Anh có thế mạnh về công nghệ trong khi Hoàng Anh lại giỏi về kinh doanh.
Khi đang loay hoay với chiến lược phát triển, thì cuối năm 2015, startup này nhận được yêu cầu tham gia xây dựng sản phẩm quản lý chuỗi cung ứng của một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực logistics.
Theo anh Long, đây là bước ngoặt trong sự phát triển của Abivin. Ngành quản lý chuỗi cung ứng là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, đồng thời có thể áp dụng những kết quả mà anh đã nghiên cứu và ấp ủ trong những năm tháng học cao học tại Trường Đại học Tổng hợp Bristol.
“Sau khi tiếp cận, tôi nhận thấy logistics là một ngành công nghiệp rất tiềm năng, tuy nhiên cũng tồn tại khá nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có bài toán Tối ưu Lộ trình (Vehicle Routing Problem), vốn là một bài toán rất khó trong toán học, với nhiều điều kiện kèm theo không phải dễ dàng có thể giải được. Nhưng càng khó, càng khiến tôi có động lực để thực hiện” – anh Long nói.
Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu cắt giảm chi phí logistics của các doanh nghiệp Việt Nam được đặt ra cấp bách, đồng thời, xu hướng ứng dụng các phần mềm thông minh để giải quyết vấn đề vướng mắc trong logistic đang được các nước đặt ra trong thời gian gần đây.
Bản thân anh nhận thấy logistics ở Việt Nam cũng như các khu vực lân cận là một thị trường rất tiềm năng, chưa được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để thay thế cho các công việc lặp đi lặp lại không hiệu quả một cách thủ công.
Chính vì vậy, anh mong muốn trở thành một trong những người đi đầu trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này, góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp logistics.
…Tới giải pháp tối ưu cho ngành logistics
Sản phẩm của Abivin được giới thiệu có khả năng tạo ra lộ trình giao hàng tối ưu bằng cách áp dụng thuật toán thông minh, tích hợp công nghệ Học Máy, Trí tuệ nhân tạo (AI).
Chị Nguyễn Hoàng Anh – đồng sáng lập Abivin nhận giải vô địch trong cuộc thi Startup World Cup 2019.
Abivin vRoute được tích hợp thuật toán tối ưu lộ trình cao cấp, có thể thỏa mãn hơn 20 điều kiện khác nhau trong quá trình giao hàng như: xác định giờ đóng mở cửa khác nhau của các cửa hàng, các loại xe khác nhau, tận dụng tối đa trọng lượng/thể tích của các xe hay điều kiện giao thông khác nhau...
Thay vì phải dành thời gian 6 tiếng đồng hồ lên kế hoạch trên giấy tờ để phân tuyến, giờ đây người điều phối đội xe chỉ mất 5-15 phút là ra, tiết kiệm thời gian vận hành, theo dõi realtime và báo cáo. Phần mềm của Abivin yêu cầu tài xế đến tọa độ đó mới có thể check-in hoặc có OTP của cửa hàng, tránh tình trạng tài chế không đi ship hàng và báo cáo không đúng.
Abivin vRoute có đặc tính tối ưu là phần mềm được phát triển đặc biệt cho các nước ở khu vực ASEAN. Thuật toán thông minh hỗ trợ thỏa mãn các đặc điểm như đường nhỏ, nhiều ngõ ngách, nhiều thay đổi, hạn chế; giao hàng bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe máy, xe tải hoặc bán tải, thời gian đóng mở cửa hàng thất thường… Giúp tiết kiệm 30-40% chi phí nhân lực và nhiên liệu trong ngành logistics.
Ghi dấu Việt Nam trên toàn khu vực ASEAN
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Đây là sự kế thừa ảnh hưởng của việc phát triển các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…
Trong những năm vừa qua, các sàn thương mại điện tử này đã có mức tăng trưởng rất tốt, khoảng 30 - 40% về doanh thu; công nghệ cho logistics cũng nhận được sự tăng trưởng nhanh tương tự, khoảng 20 - 40%. Có điều này do logistics là phần tiếp theo của chuỗi cung ứng. Sau quá trình đặt hàng trên mạng, phần công nghệ về logistics là bước tiếp theo, khâu thanh toán cuối cùng.
“Với những đất nước lớn, dân số, diện tích tương đương Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng chi phí cho logistics lại khá thấp, đạt mức 7 - 10% GDP. Trong khi đó, Việt Nam đang ở mức 15 - 20% GDP và sẽ có cơ hội giảm chi phí logistics này xuống, nếu chúng ta quản lý và tối ưu hóa. Đây chính là tương lai logistics sử dụng công nghệ thông tin” - CEO Nam Long nhận định.
Bật mí về hướng đi trong thời gian tới, CEO Abivin cho biết: Abivin hiện nay có 10 khách hàng lớn, đều là các khách hàng tên tuổi như Friesland Campina (cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group, ngoài ra còn có khách hàng tại Myanmar và Singapore.
Trước mắt, Abivin sẽ tập trung hướng đến khu vực ASEAN với các thị trường tiềm năng như Myanmar, Malaysia, Thái Lan và một số nước trong khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ vài tháng trở lại đây, Abivin đã và đang đề ra những chiến lược tiếp cận với các thị trường này như việc tìm hiểu nền kinh tế, văn hoá hay khảo sát nền công nghiệp logistics ở những thị trường đầy tiềm năng đó.
Abivin muốn chứng minh rằng, một startup Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trong hàng ngũ với các doanh nghiệp công nghệ thành công của thế giới. Năm nay, Abivin đang tăng trưởng thêm số lượng điều kiện, tiến dần đến 30 điều kiện khác nhau, giúp khách hàng chỉ cần ấn nút, sau vài giây sẽ ra lộ trình cho hàng nghìn đơn giao hàng, với hàng trăm xe vận tải…
Tùy vào quy mô, khả năng, năng lực hiện tại của doanh nghiệp khi sử dụng hệ thống của Abivin, có thể tiết kiệm từ 10-40% chi phí logictics. Mục tiêu đạt 1 triệu active user vào năm 2023 với 320 khách hàng chính.
“Sản phẩm công nghệ vì môi trường: sản phẩm công nghệ của Abivin còn có ảnh hưởng tốt tới môi trường. Giảm lượng khí thải của xe bằng việc giảm số lượng xe và thời gian xe chạy trên đường. Thuật toán của Abivin tự động lên lộ trình tối ưu nhất cho hàng trăm đến hàng ngàn xe chỉ trong vài phút.
Bằng cách đó, các loại xe sẽ chạy theo lộ trình tối ưu, giúp giảm thời gian trên đường.Thuật toán này còn có thế tối ưu tỉ lệ đầy xe qua khối lượng hoặc thể tích xe (lên đến hơn 90%)”.