Ngày pháp luật

SSI Research: Dòng vốn đầu tư toàn cầu tập trung vào thị trường Mỹ

An An

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng áp đảo từ ông D.Trump đã giúp các lo ngại được gỡ bỏ và giúp dòng tiền vào các tài sản rủi ro bứt phá.

Trong báo cáo diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 11/2024 mới đây của SSI Research, đơn vị này đã chỉ ra quỹ cổ phiếu toàn cầu phân hóa rõ nét. Xu hướng vào ròng tiếp diễn mạnh mẽ trong tháng 11, với tổng giá trị đạt 136 tỷ USD – mức giải ngân cao nhất kể từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, dòng tiền phân hóa khi chỉ tập trung chủ yếu ở thị trường Mỹ trong khi các thị trường lớn khác đều ghi nhận rút ròng (trừ Nhật Bản). Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng áp đảo từ ông D.Trump đã giúp các lo ngại được gỡ bỏ và giúp dòng tiền vào các tài sản rủi ro bứt phá.

SSI Research: Dòng vốn đầu tư toàn cầu tập trung vào thị trường Mỹ  - Ảnh 1

Quỹ trái phiếu thu hẹp tốc độ vào ròng, sức hút từ quỹ trái phiếu đã hạ nhiệt đáng kể và chỉ còn 34 tỷ USD trong tháng 11, chủ yếu vẫn đến từ thị trường phát triển. Rủi ro về lạm phát và các chính sách khó lường của Tổng thống Donald Trump tạo nhu cầu vào các quỹ trái phiếu, tuy nhiên tín hiệu này có thể nhanh chóng đảo ngược nếu các số liệu kinh tế Mỹ vẫn tích cực trong thời gian tới.

Cùng với đó, dòng tiền vào quỹ thị trường tiền tệ tăng tốc. Dòng tiền vào quỹ thị trường tiền tệ tăng tốc vào ròng 244 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2023 - có thể là do yếu tố mùa vụ trước khi kết thúc năm tài chính vào tháng 12. Tổng tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, mở ra khả năng dòng tiền có thể chuyển dịch sang các tài sản tài chính khác khi khả năng Fed cắt giảm lãi suất rõ ràng hơn trong năm 2025.

Tính chung trong 11 tháng năm 2024, dòng tiền vào các tài sản tài chính đều duy trì nhịp độ vào ròng tích cực, với giá trị đạt 648 tỷ USD cho Quỹ cổ phiếu, 594 tỷ USD cho quỹ trái phiếu và 970 tỷ USD cho Quỹ thị trường tiền tệ.

SSI Research: Dòng vốn đầu tư toàn cầu tập trung vào thị trường Mỹ  - Ảnh 2

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) đảo chiều rút ròng. Đồng USD mạnh lên, lo ngại các chính sách thuế quan và tác động tâm lý từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc giảm nhiệt khiến cho dòng vốn rút ròng mạnh mẽ trong tháng 11, với giá trị lên tới 8 tỷ USD, mức rút ròng cao nhất kể từ tháng 6/2020.

Hầu hết các thị trường đều ghi nhận kém tích cực như Trung Quốc (-4 tỷ USD), Ấn Độ (659 triệu USD). Sức hấp dẫn đối với thị trường Mỹ được kỳ vọng ít nhất sẽ duy trì trong tháng 12, khi biến động trên thị trường cổ phiếu thường thấp hơn trong tháng 12 và các công ty cũng đang thực hiện chương trình mua lại cổ phiếu quỹ như cam kết và dòng tiền chuyển dịch từ quỹ tiền tệ sang quỹ cổ phiếu khi Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất.

Dòng tiền đối với thị trường cổ phiếu đang phát triển sẽ tương đối phân hóa, tùy thuộc vào tác động từ chính sách sắp tới của Tổng thống Donald Trump.

Tin Cùng Chuyên Mục