Ngày pháp luật

Sôi động thị trường mua sắm cuối năm

Lê Đồng

Cuối năm là giai đoạn sôi động, nhộn nhịp nhất của ngành bán lẻ. Nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đã triển khai nhiều kế hoạch thu mua, dự trữ hàng hóa nhằm “bung” ra thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và giảm giá sâu để thu hút khách hàng nhằm kích cầu mua sắm vào dịp cuối năm.

Ghi nhận trên thị trường từ đầu tháng 11/2024 đến nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng quần áo, điện máy, đồ gia dụng… đều quảng bá rầm rộ các hoạt động khuyến mãi để thu hút khách hàng. Đặc biệt, các nhà cung cấp chú trọng xây dựng chương trình khuyến mãi vào các sự kiện, ngày lễ lớn.

Sôi động thị trường mua sắm cuối năm - Ảnh 1

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, nhiều nhà bán lẻ đã lên kế hoạch cụ thể. Dự kiến tổng giá trị  hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025) của nhiều hệ thống bán lẻ ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, có doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp về việc đảm bảo giá, nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực và ổn định trước trong và sau Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng Tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, đây là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp gia tăng doanh thu. Nếu có chiến lược nhập hàng phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp không chỉ tận dụng được sức mua lớn mà còn có thể tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam cho biết: Để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mùa Tết, công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất, điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo sẵn sàng cung ứng các dòng sản phẩm chủ lực như: Ô mai - mứt cổ truyền, các set quà tặng và đặc biệt là các dòng ô mai mới của năm nay là combo Hương vị Thủ đô đang rất được khách hàng yêu mến. “Hồng Lam có chiến dịch 60 ngày Tết, theo đó đội ngũ nhân viên từ nhà máy đến các cửa hàng đều làm việc với cường độ cao hơn, đảm bảo cung ứng nhu cầu lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, đội ngũ marketing cũng ra mắt sớm bộ sưu tập quà Tết “Sắc hoa Hà Nội phố” được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đã đặt hàng sớm hơn mọi năm, góp phần giảm áp lực cho những ngày cận Tết.

Ảnh chụp tại cửa hàng ô mai  Hồng Lam.
Ảnh chụp tại cửa hàng ô mai  Hồng Lam.

Đồng thời, chúng tôi cũng đầu tư nhiều vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mới, combo Hương vị Thủ đô là một ví dụ điển hình, giúp tăng khả năng cạnh tranh so với các dòng hàng nhập ngoại. Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ dựa trên dữ liệu thực tế và xu hướng tiêu dùng, từ đó tăng cường sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là các dòng ô mai và quà Tết, với nguồn nguyên liệu dồi dào đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam nhấn mạnh.

Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm Tết 

Tại những kênh phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị Satramart, Co.opXtra, LOTTE Mart; Hay mạng lưới chợ truyền thống như chợ Bến Thành, An Đông, Gò Vấp... cho thấy, giỏ quà Tết 2025 được tung ra thị trường phong phú về chủng loại bánh kẹo mới, lạ và hạt dinh dưỡng các loại nhiều hơn, bên cạnh những nhóm mặt hàng truyền thống như dầu ăn, đường, bột ngọt, mì gói…

Sôi động thị trường mua sắm cuối năm - Ảnh 2

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Sở Công Thương cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2024. Cùng với đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ cho chương trình bình ổn.

Thông tin từ Sở Công Thương TP Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7 - 25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán sẵn sàng phục vụ nhân dân. Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối.

Theo Bộ Công Thương, hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; Từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.

Hàng Tết “made in Việt Nam” chiếm ưu thế

Hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt trong dịp Tết. Điều đó cho thấy, sự chuyển đổi theo xu hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hiện đại, giá cả phù hợp đã giúp cho hàng Việt đứng vững trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, từ ngày 6/12, hệ thống siêu thị bắt đầu trưng bày hàng Tết. Năm nay, phần lớn hàng hoá phục vụ Tết là hàng Việt, chiếm hơn 80% toàn hệ thống, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%. Hàng Việt hay sản phẩm “Made in Việt Nam” chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú và hiện đại, cộng với việc các doanh nghiệp cũng quảng bá tốt trên nhiều nền tảng giúp người tiêu dùng nhận diện được tốt hơn và lựa chọn mua sắm. Về giá các mặt hàng đến thời điểm này là bình ổn, thậm chí vào dịp Tết, siêu thị sẽ triển khai nhóm sản phẩm hàng hoá không lợi nhuận như các hộp bánh, thịt… để tạo sức hút, kích cầu mua sắm.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Ân (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Lựa chọn mua sắm hàng Việt là thói quen của gia đình tôi. Hàng Việt giờ đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập về giá cả và sự đa dạng sản phẩm, mẫu mã nên gia đình tôi luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Tranh thủ ngày nghỉ, gia đình chúng tôi đến siêu thị mua sắm kẹo, mứt, ô mai… để phục vụ cho những ngày Tết đang đến gần”.

Cùng chung ý tưởng đó, anh Phạm Hồng Đăng (quận Ba Đình, Hà Nội) bộc bạch: “Hàng Việt giờ khá yên tâm về chất lượng, xuất xứ rõ ràng, giá cả cũng phải chăng. Tuy nhiên, về mẫu mã sản phẩm thì hàng Việt vẫn chưa bắt mắt người tiêu dùng. Do đó, đây là một yếu thế của sản phẩm Việt Nam trên thị trường, tuy nhiên gia đình tôi cũng đã chuẩn bị một số nhu yếu phẩm là hàng Việt Nam phục vụ cho những ngày Tết cổ truyền đang đến gần”.

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cuối năm tăng cao, đây cũng là cách để doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ việc dự đoán chính xác nhu cầu, lập kế hoạch nhập hàng đến quản lý tồn kho hiệu quả, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ vững vị thế trên thị trường. Trong bối cảnh dịp lễ, Tết đang đến gần, các doanh nghiệp cần chuẩn bị thật chu đáo để nắm bắt cơ hội “vàng” và bứt phá trong kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố rất quan trọng để các thương hiệu, nhà sản xuất có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết để doanh nghiệp có chiến lược cho quá trình kinh doanh của mình.

Những rủi ro trên nền tảng thương mại điện tử

Theo các chuyên gia, miễn phí vận chuyển là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng qua livestream cũng đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro nhất định. Trong năm 2025, các doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục thăm dò nhưng đặt ra các mục tiêu hài hòa với các kênh bán hàng khác.

Cũng liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.

Bà Vũ Kim Hạnh cảnh báo, trước những biến động khó lường của thị trường Tết 2025, doanh nghiệp Việt cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, chú trọng dịch vụ khách hàng, bổ sung thêm sự khác biệt trong các mặt hàng địa phương, thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu dùng, khuyến mãi... để người tiêu dùng không còn quá quan tâm đến hàng giá rẻ. Với những diễn biến khó lường từ những mùa cao điểm mua sắm trong năm cho thấy thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết thì bài toán khuyến mãi, giao nhận cũng quan trọng không kém việc doanh nghiệp tập trung cải thiện tính ổn định chất lượng, giá cả sản phẩm… Theo đó, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao không ngừng nỗ lực cung cấp, cập nhật thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt, nhất là những giải pháp “thực chiến” trước biến động thị trường trong và ngoài nước” - bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam cho hay, đối với đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ phải chuẩn bị kế hoạch và nguồn cung hàng hóa sẵn sàng trước thời điểm này, nhằm đảm bảo tung sản phẩm rơi vào thời điểm “vàng” của mùa mua sắm Tết. Nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, các thương hiệu và nhà sản xuất kinh doanh cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn, cũng như ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực, tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã đạt doanh thu cao kỷ lục nhờ việc chuẩn bị hàng hóa đầy đủ từ sớm. Các chiến lược như giảm giá sốc, tặng kèm quà hoặc bán hàng combo chỉ thực sự hiệu quả nếu doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong suốt mùa cao điểm. Khi doanh nghiệp có kế hoạch nhập hàng rõ ràng và hợp lý, họ có thể kiểm soát tốt chi phí vận hành. Việc nhập hàng sớm, đủ số lượng giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí phát sinh như vận chuyển gấp, nhập hàng bổ sung trong ngắn hạn hoặc xử lý hàng tồn kho không cần thiết. Đây cũng là thời điểm mà các nhà bán lẻ đã hợp tác với doanh nghiệp sản xuất để thỏa thuận về nguồn cung và giá cả từ 3 đến 6 tháng trước. Nhờ sự chuẩn bị này, nguồn hàng sẽ được đảm bảo đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nano Milk.
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nano Milk.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nano milk: “Dịp cuối năm, công ty luôn có mục tiêu, kế hoạch sản xuất và kinh doanh phục vụ theo nhu cầu khách hàng thông qua đánh giá và đo lường doanh số dựa vào khách hàng và đối tác các năm trước đó. Bên cạnh đó, công ty chúng tôi luôn chủ động lượng hàng hóa hỗ trợ trong mọi tình huống nhằm đảm bảo cung cấp cho các đại lý, khách hàng trên toàn quốc và bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Để được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, Nano Milk đã không ngừng sáng tạo tinh gọn bộ máy và nâng cao chuyên môn cho cán bộ, nhân viên nhằm cạnh tranh về dịch vụ và mang lại nhiều lợi ích cho đối tác, khách hàng, và đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp nói chung với cộng đồng”.

Tin Cùng Chuyên Mục