Ngày pháp luật

Số lượng tỷ phú Châu Á nhiều gấp 1,7 lần so với châu Âu và đang tiếp tục gia tăng

Giang Phạm

Mặc dù trong top 10 người giàu nhất thế giới, số lượng doanh nhân Mỹ chiếm ưu thế nhưng số liệu nghiên cứu cho thấy, người châu Á đang không ngừng leo lên đỉnh của bậc thang giàu có toàn cầu. 

Vào tháng 9 vừa qua, doanh nhân người Ấn Độ Gautam Adani đã trở thành người châu Á đầu tiên đứng thứ hai trong danh sách tỷ phú toàn cầu - những người có giá trị tài sản ròng vượt quá 1 tỷ USD. 

Cụ thể, với khối tài sản ròng 137,4 tỷ USD, "ông trùm" ngành than Gautam Adani đã vượt qua tỷ phú Bernard Arnault - CEO “đế chế” hàng xa xỉ Pháp LVMH lọt top 3 trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index. Không lâu sau đó, đầu tháng 9, Adani đã nhanh chóng leo lên vị trí thứ hai, chỉ đứng sau Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla, nhà sản xuất xe điện của Mỹ.

Chủ tịch của Adani Group - Gautam Adani từng lọt top 3 trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh.
Chủ tịch của Adani Group - Gautam Adani từng lọt top 3 trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh.

Theo Bloomberg và Forbes, ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch của Adani Group, quản lý các cảng, mỏ và kinh doanh tài nguyên, hiện đang xoay quanh vị trí thứ tư khi sở hữu khối tài sản 125 tỷ USD. 

Mặc dù trong top 10 người giàu nhất thế giới, số lượng doanh nhân Mỹ chiếm ưu thế, nhưng theo Asia Nikkei, trong vài năm trở lại đây, người châu Á đang không ngừng leo lên đỉnh của bậc thang giàu có toàn cầu. 

Một phân tích theo khu vực về tài sản của hơn 2.400 người trong danh sách tỷ phú của Forbes cho thấy tổng tài sản của các tỷ phú thế giới xếp theo khu vực có sự biến động, 4.700 tỷ USD ở Bắc Mỹ, tiếp theo là 3.500 tỷ USD ở châu Á và 2.400 tỷ USD ở châu Âu.

Tuy nhiên, khi nói đến số lượng tỷ phú, châu Á có 951 người, nhiều hơn tất cả các khu vực khác. Bắc Mỹ có 777 tỷ phú và con số này ở châu Âu là 536 người.

Nếu tính theo quốc gia, Mỹ đứng đầu thế giới với 719 tỷ phú, tiếp theo là Trung Quốc với 440, Ấn Độ xếp thứ 3 khi sở hữu 161 tỷ phú. Mười quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có tổng số 114 tỷ phú, trong khi Đài Loan có 45 người, Hàn Quốc 28 và Nhật Bản 27 tỷ phú.

Số lượng các tỷ phú bắt đầu tăng ở châu Âu trong cuộc Cách mạng công nghiệp vào thế kỷ XVIII và XIX. Nhờ tiến bộ trong công nghệ truyền thông và toàn cầu hóa, các quốc gia mới nổi hiện cũng "sản sinh" ra nhiều tỷ phú hơn so với châu Âu và Mỹ.

Trên thực tế, những người giàu tại các nước mới nổi có tốc độ tích lũy tài sản nhanh. Một phân tích dữ liệu được sử dụng trong Báo cáo tài sản toàn cầu do Credit Suisse công bố vào tháng 9 cho thấy, giá trị tài sản do 1% người giàu nhất nắm giữ đã tăng 11 lần ở Ấn Độ và 34 lần ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2021 so với 3,6 và 1,2 lần tương ứng ở Mỹ và Nhật Bản.

Liệu tỷ phú châu Á có thể ghi danh trở thành người giàu nhất thế giới?

“Giá bất động sản tăng là động lực chính cho sự tích lũy tài sản của người châu Á”, Soichiro Matsumoto, Giám đốc đầu tư của Credit Suisse Wealth Management, Nhật Bản nhận định.

Sự gia tăng tỷ lệ người giàu có ở châu Á vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
Sự gia tăng tỷ lệ người giàu có ở châu Á vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Theo ông Matsumoto, những người được xếp hạng cao trong danh sách người giàu chủ yếu là chủ doanh nghiệp có cổ phần lớn trong các công ty toàn cầu hơn là bất động sản, do đó người châu Á “cần thời gian để bắt kịp". Trong khi đó, một số quốc gia đang có những chính sách cân bằng khoảng cách giàu - nghèo. Điển hình như mục tiêu “thịnh vượng chung” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 8/2021 nhằm giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc.

Mục tiêu này đã yêu cầu Jack Ma - người sáng lập tập đoàn Alibaba và những người giàu có khác ở Trung Quốc giảm tài sản của họ thông qua các khoản quyên góp tự nguyện hay phương tiện khác. 

Hiện các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, nhóm tỷ phú châu Á đang phải đối mặt với một số tác động bất lợi như giá cổ phiếu giảm và đồng USD tăng giá. Tính trong 6 tháng trở lại đây, danh sách tỷ phú của Forbes đã giảm 245 người, và 126 người trong số đó là người châu Á - con số này cao hơn nhiều so với số lượng 27 người Bắc Mỹ.

Dù vậy, những người giàu có ở các nước mới nổi được hỗ trợ bởi sự gia tăng nhu cầu trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng. Credit Suisse dự báo, số lượng triệu phú - với khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên - sẽ tăng gần gấp đôi ở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2026 so với năm 2021.

Mặc dù trong tương lai gần người châu Á vẫn chưa có đủ khả năng thay thế vị trí của những người giàu nhất thế giới, nhưng sự gia tăng tỷ lệ người giàu có ở châu Á vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Tin Cùng Chuyên Mục