Hệ sinh thái đa ngành
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji) hiện nắm trong tay 14 đơn vị thành viên, 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc, tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam.
Quy mô lợi nhuận và tổng tài sản ngày càng tăng lên qua các năm đã phần nào chứng minh cho thành công và uy tín của Doji.Sự hình thành phát triển của Doji gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đỗ Minh Phú (SN 1953). Tính đến tháng 8/2016, ông Phú là cổ đông lớn nhất, trực tiếp sở hữu 70% vốn điều lệ Doji.
Hồi tháng 4/2018, ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) – con trai ông Đỗ Minh Phú trở thành Người đại diện theo pháp luật và Tổng Giám đốc Doji. Tiếp đến, vào tháng 9/2023, người đại diện theo pháp luật là bà Đỗ Vũ Phương Anh (SN 1980), con gái ông Phú. Hiện nay, ông Đỗ Minh Phú vẫn là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Doji.
Ngoài thị trường vàng, ông Phú cùng em trai là ông Đỗ Anh Tú còn khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực băng vệ sinh với CTCP Diana (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý). Năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm đã chi 184 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để mua lại 95% vốn Diana.
Với khoản tiền thu được, ông Phú đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), 1 trong 9 nhà băng yếu kém vào thời gian đó phải tiến hành tái cấu trúc. Dưới sự lãnh đạo của ông Phú và các cộng sự, TPBank từ lỗ hàng ngàn tỷ (năm 2011) đã vươn mình trở thành một nhà băng có lợi nhuận liên tục tăng trưởng.Để hoàn thiện hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính, vị doanh nhân họ Đỗ tiếp tục bổ sung thêm một đơn vị trong lĩnh vực chứng khoán, đó là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Tính đến thời điểm cập nhật gần nhất (tháng 3/2024), TPBank chỉ nắm trực tiếp hơn 9% vốn TPS, nhưng thực tế lại là động lực tăng trưởng lớn nhất của công ty chứng khoán này. Đơn cử, trong năm 2023, báo cáo lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy trong số gần 13.860 tỷ đồng tiền vay của TPS, thì có đến 8.800 tỷ đồng là vay từ TPBank.
Cùng với đó, phần nhiều các hoạt động của TPS, chủ yếu là tư vấn phát hành, giao dịch trái phiếu, cũng là để phục vụ cho các khách hàng lớn của nhà chủ TPBank.
‘Cuộc chơi’ tài chính của ông lớn Doji
Sau thương vụ M&A CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) – pháp nhân hiện do TPBank nắm 75% vốn sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ hồi đầu năm nay với giá phát hành 10.000 đồng/CP, hệ sinh thái tài chính của Doji Group càng được hoàn thiện.
Còn 3 cổ đông còn lại tại Việt Cát là ông Nguyễn Anh Vũ (14,5%), bà Hồ Thị Thùy Giang (6%) và bà Nguyễn Thanh Hương (4,5%). Trước khi về tay TPBank, đây là 3 thể nhân chính nắm 100% vốn VFC.
Trong đó, cổ đông Nguyễn Anh Vũ hiện đứng tên tại CTCP West Lake Luxury và CTCP Đầu tư dịch vụ Red River – đây là doanh nghiệp do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land sở hữu 79,5% vốn (tại thời điểm tháng 3/2021). Doji Land là pháp nhân phụ trách mảng bất động sản của Doji Group.
Không dừng lại ở vai trò thu xếp vốn, giống như nhiều đại gia khác, ông Đỗ Minh Phú cũng sớm tham gia vào thị trường bất động sản. Sự nhanh nhạy của vị doanh nhân này sớm được thể hiện qua thương vụ hợp tác với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm dự án số 5 Lê Duẩn, TP. Hà Nội, không lâu trước khi doanh nghiệp nhà nước này cổ phần hoá.
Trong một thương vụ kín tiếng khác, Doji từng là cổ đông chi phối tại CTCP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn (Artext Sài Gòn) – chủ sở hữu nhiều lô đất đẹp có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM như toà nhà văn phòng Opera View rộng 798 m2 tại 161 Đồng Khởi, toà nhà văn phòng 236-238 Nguyễn Công Trứ rộng 511 m2…
Năm 2017, nhóm Doji rút khỏi Artex Sài Gòn, cái tên thay thế sở hữu loạt bất động sản đắc địa là một tập đoàn tư nhân nổi danh ở phía Nam.Hiện nay, Doji Land đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, và tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhiều địa phương khác.
Mảng tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Minh Phú. Không chỉ với bản thân Doji Group, những TPBank, TPS hay VFC còn là “bà đỡ” vốn với nhiều tập đoàn tên tuổi trong nước.
Nổi bật hơn cả là R&H Group. TPBank cùng TPS cũng là bên thu xếp cho R&H Group phát hành tới 8.150 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong ít tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Năm ngoái, khi R&H Group chịu áp lực đáo nợ trái phiếu rất lớn (2.500 tỷ đồng), TPBank đã tài trợ hơn 1.700 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UpCOM: VHD) để doanh nghiệp này mua lại các dự án của R&H Group.
Ở phía Nam, đối tác thân thiết bậc nhất của nhà chủ Doji là Hưng Thịnh Group. TPS trong năm 2021 đã thu xếp phát hành 4 lô trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp bất động sản liên hệ đến Hưng Thịnh với tổng giá trị 7.100 tỷ đồng. Các chi nhánh của TPBank cũng nhận thế chấp nhiều dự án lớn của tập đoàn này.
Hay ở một thương vụ đáng chú ý khác, nhóm TPBank có dấu ấn đặc biệt tại dự án Khu đô thị Nhơn Phước (tỉnh Đồng Nai). Dự án này trước đây có chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nhật Quang. Đến năm 2018, nhóm Suối Tiên Group đã mua lại Nhật Quang và sáp nhập vào CTCP Phát triển Địa ốc Sông Tiên - pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Đinh Thị Kim Dung - Phó TGĐ CTCP Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Suối Tiên Group).
Sau khi trở thành chủ đầu tư mới của dự án, Địa ốc Sông Tiên vào năm 2020, với sự thu xếp của TPS - TPBank đã phát hành 1.160 tỷ đồng trái phiếu qua 5 đợt. Trong đó trực tiếp TPBank mua lô 250 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm phát hành ngày 12/3/2020.
Cuối năm 2021, ở một động thái kín tiếng, nhóm Suối Tiên chuyển nhượng Địa ốc Sông Tiên cho các pháp nhân liên hệ với Tập đoàn Hưng Thịnh. Hiện tại, Tổng giám đốc Địa ốc Sông Tiên là ông Trương Văn Việt (SN 1972) – Tổng Giám đốc CTCP Hưng Thịnh Incons, “mắt xích” khác thuộc nhóm Hưng Thịnh.
Ngoài những cái tên kể trên, nhóm TPBank – TPS còn tham gia thu xếp nguồn vốn rất lớn cho nhóm Bamboo Capital hay Phúc Khang Corp. Hơn cả vai trò "bà đỡ" vốn, các pháp nhân liên hệ tới TPBank – TPS còn tham gia loạt giao dịch nhận chuyển nhượng tài sản là cổ phần và bất động sản với những đối tác kể trên.