Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Đại gia tỷ USD khởi nghiệp với... vài nghìn USD
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Địa chất tại Moscow, ông Phạm Nhật Vượng quyết định lập nghiệp tại Kharkov, Ukraine. Vay mượn được vài nghìn USD, vợ chồng ông mở một nhà hàng mang tên Thăng Long trên nền nhà ăn cũ của nhà máy Malyshev.
Trong một bài phỏng vấn cùng báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Nhật Vượng - lúc này đã là một tỷ phú USD của thế giới, tâm sự về những ngày tháng khởi nghiệp đầu đời:
"Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ở Matxcova, tại Dom 5, mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.
Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn ấy. Vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcova đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD."
Trải qua nhiều phen lận đận, ông Vượng bắt đầu bén duyên với.. mỳ gói. Sản phẩm mì ăn liền của "ông chủ" Phạm Nhật Vượng khi đó mang tên "Mivina" đã trở thành thương hiệu đặc biệt hấp dẫn, được thị trường Kharkov nhanh chóng đón nhận và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine.
Dần dần, quy môt sản xuất mở rộng, ông Phạm Nhật Vượng lập nên công ty Technocom ngay trên đất Ukraine. Đây cũng chính là tiền thân của Tập đoàn VinGroup.
Bầu Đức - Xây dựng sự nghiệp từ "hai bàn tay trắng"
Bầu Đức cùng HLV Đội tuyển Bóng đá Việt Nam Park Hang Seo (phải).
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ông Đoàn Nguyên Đức từ nhỏ đã nung nấu ý chí thoát khỏi cảnh nghèo đói. Cũng giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, ông theo đuổi con đường học vấn, quyết tâm thi đỗ đại học để đổi đời. Thế nhưng, may mắn đã không mỉm cười bởi sau 4 lần "vượt vũ môn", chàng trai Đoàn Nguyên Đức vẫn không thể hiện thực hoá giấc mơ đại học.
Ông đã từng chia sẻ: "Sau đó, tôi xác định tư tưởng rất rõ ràng: Con đường học vấn không mỉm cười thì phải lao thân vào kinh doanh lập nghiệp. Suy nghĩ này đã có trong đầu tôi từ năm 1982, và vẫn ám ảnh cho đến năm 1984, khi không còn chút tia hy vọng nào để vào đại học. Từ đó tôi đã chiến đấu đến bây giờ."
Nói là làm, ông lao vào làm đủ nghề để kiếm sống. Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, ông tích cóp được một khoản tiền và mở một xưởng gỗ nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Dần dần, ông cùng tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp đình đám nhất trên thị trường.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Khởi nghiệp với 100 nghìn đồng
Ảnh: Tô Thanh Tân.
Trước khi trở thành ông chủ của đế chế cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng là một sinh viên của trường Đại học Y Tây Nguyên. Do gia cảnh nghèo khó, ông Vũ vừa phải đi học, vừa đi làm để kiếm sống.
Vì máu kinh doanh, ông Vũ quyết định bỏ học khi đang là sinh viên năm 3. Cầm trong tay chỉ 100.000 đồng, ông và 3 người bạn mở quán cà phê vào năm 1996. Theo VOV, khi đó, ông Vũ phải đạp xe đi khắp nơi thu mua cà phê về rang, xay trong gian nhà gỗ nhỏ hẹp chỉ 2,8m2 sau đó đem bỏ cho các quán.
Cho tới nay, ít ai có thể phủ nhận những thành tựu của Trung Nguyên nói chung và ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói riêng. Năm 2012, ông Vũ được vinh danh "Vua Cà phê Việt" trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.