Trong khi phần lớn khu vực bán lẻ truyền thống ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề do các đợt phong tỏa và hạn chế di chuyển để đối phó với đại dịch COVID-19, thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt. Người mua và thương nhân ngày càng quen với việc sử dụng các nền tảng mua bán trực tuyến. Báo cáo chung từ Google, Temasek và Bain&Company dự báo rằng giá trị thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ vượt qua 100 tỷ USD vào năm 2025.
Dẫn dắt sự bùng nổ thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á là Shopee, ứng dụng thương mại điện tử có số người dùng thực (active users) đông đảo nhất, dù chỉ mới ra mắt tại Singapore vào năm 2015, sau Lazada 3 năm và sau Tokopedia đến 6 năm.
Dưới đây là bốn yếu tố chiến lược quan trọng thúc đẩy Shopee từ một công ty khởi nghiệp dưới sự quản lý của Tập đoàn Sea Singapore đầy hoài bão trở thành một người chơi đáng gờm trong khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và mới đây nhất là Brazil.
Ưu tiên hàng đầu là ứng dụng trên điện thoại di động
Dân cư tại Đông Nam Á là những người sử dụng Internet di động nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company, khu vực này có 360 triệu người dùng Internet và 90% trong số đó kết nối Internet chủ yếu thông qua điện thoại di động.
Ngay từ đầu, Shopee đã coi di động là một xu hướng chính và là con đường phát triển cho thương mại điện tử trong khu vực. Do vậy, dù có phát triển website như các nền tảng thương mại số khác, nhưng Shopee tập trung nhất vào việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng thông qua thiết bị di động. Công ty còn nhắm vào đối tượng là người dùng trẻ tuổi, đặc biệt là những người đã lớn lên quen với việc tương tác và giải trí trên thiết bị di động.
Shopee mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến từ đầu đến cuối trực tiếp hoàn toàn trên ứng dụng di động. Người mua có thể duyệt sản phẩm, đặt hàng, thanh toán và theo dõi tình trạng giao hàng. Đồng thời, người bán có thể sử dụng ứng dụng để chụp ảnh, tạo danh sách, theo dõi hoạt động của cửa hàng, nhận thanh toán và theo dõi việc giao hàng thông qua các công cụ logistics và thanh toán tích hợp.
Cách tiếp cận này thực sự có hiệu quả. Shopee cho biết hơn 95% đơn hàng trên nền tảng này hiện thực hiện trên thiết bị di động.
Phương pháp tiếp cận địa phương hóa cao độ
Đông Nam Á là một khu vực chứ không phải một thị trường riêng lẻ. Mỗi quốc gia có những đặc điểm và thách thức thương mại điện tử khác nhau, và đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng cũng khác nhau giữa các thị trường. Với suy nghĩ này, Shopee thực hiện phương pháp tiếp cận siêu địa phương hóa ở mỗi thị trường để mang lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến phù hợp nhất cho mỗi thương hiệu, người bán và người mua sắm.
Bằng cách hiểu từng thị trường và hành vi của người dùng, Shopee có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Ngoài việc có các văn phòng và đội ngũ địa phương tại mỗi thị trường hoạt động, các danh mục sản phẩm và chiến dịch tiếp thị của mỗi thị trường đều được bản địa hóa cao. Chẳng hạn, khi triển khai lễ hội siêu mua sắm 9.9, người dùng tại Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Philippines, và Brazil đều có thể chơi các trò chơi đề tài về kung-fu liên quan đến tài tử Jackie Chan, nhưng chương trình lại không thực hiện ở Việt Nam. Tại Indonesia, Shopee tung ra Shopee Barokah để đáp ứng nhu cầu của người dùng Hồi giáo, đặc biệt là trong tháng ăn chay.
Tận dụng công nghệ mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng
Ngay từ ban đầu, Shopee đã hướng đến việc cung cấp trải nghiệm xã hội và cá nhân hóa cao cho người dùng. Để cá nhân hóa, Shopee tận dụng dữ liệu thu thập được và AI để xác định nhu cầu mua hàng của người dùng, đồng thời sử dụng các công nghệ mới như AR (thực tế ảo) để giúp các thương hiệu mang đến cho khán giả những trải nghiệm mua sắm khác biệt. Thay vì chỉ tập trung vào việc thúc đẩy giao dịch và cạnh tranh về giá, nhãn hàng và người bán có thể thu hút khách hàng và tạo mối quan hệ với thương hiệu thông qua những trải nghiệm này.
Shopee còn xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ cho phép người dùng kết nối và tương tác với nhau. Các tính năng như Shopee Live (phát trực tiếp), Shopee Games (chơi game trong ứng dụng), Shopee Feed (nguồn cấp dữ liệu trong ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ nội dung về những gì họ đang niêm yết, mua và bán với cộng đồng Shopee lớn hơn), và Shopee Live Chat (chức năng trò chuyện cho phép người mua nói chuyện trực tiếp với người bán và tìm hiểu thêm thông tin trước và sau khi mua hàng).
Ngoài ra, Shopee cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực học máy (machine learning) theo tập lệnh để phát hiện các trường hợp gian lận tiềm ẩn và các sản phẩm giả mạo trên nền tảng, để người dùng an tâm hơn trong mua sắm. Đồng thời, các ví di động tích hợp ShopeePay (trước đó là AirPay) cũng mang đến cho người dùng một lựa chọn thuận tiện và an toàn, từ đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới.
Hỗ trợ tối đa cho người bán
Đạt được thành công về số lượng người dùng, Shopee cam kết tiếp tục củng cố hệ sinh thái đối tác thương nhân. Các tính năng dành cho người bán liên tục được cập nhật, giúp người bán dễ dàng theo dõi và quản lý hiệu suất bán hàng, thanh toán, hàng tồn kho và tiến độ giao hàng trên Shopee.
Trên hết, về mặt marketing, Shopee cung cấp một loạt dữ liệu và công cụ trực quan để giúp người bán theo dõi và thu thập thông tin chi tiết về hoạt động mua sắm của khách hàng, cũng như cổng thông tin một cửa để người bán có thể tạo phiếu giảm giá. Shopee còn hợp tác với Google để ra mắt giải pháp tiếp thị cho các thương hiệu nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Các thương hiệu trên Shopee sẽ được tiếp cận với các công cụ tiếp thị chuyên biệt để tăng cường sự hiện diện trực tuyến, tạo sự tương tác sâu hơn với khách hàng, đồng thời quản lý linh hoạt các chiến dịch quảng bá của mình.
Hỗ trợ cho người bán còn bao gồm chương trình Shopee University, ra mắt từ tháng Tư, các lớp học trực tuyến từ cơ bản đến nâng cao để trang bị cho người bán kiến thức để bắt đầu việc kinh doanh trực tuyến, hay lớp giúp người bán áp dụng các công cụ mới và tận dụng các xu hướng mới chẳng hạn như lợi ích của việc phát trực tiếp.